Dạy đọc viết trong học vần In

 

DẠY ĐỌC VIẾT TRONG HỌC VẦN THẾ NÀO CHO HIỆU QUẢ VÀ VUI TƯƠI?

Hoàng Thị Tuyết


Học vầnI. Hiểu thế nào về đọc và viết trong dạy học vần?

Hiện nay có một lời than phiền phổ biến trong nhiều giáo viên dạy lớp Một: đó là chương trình Học Vần không có tiết dạy viết chính tả nhưng trong kiểm tra định kỳ lại đánh giá học sinh kỹ năng này (HS nghe viết vần hay từ).

Ở những trường học hai buổi học sinh được rèn luyện viết vào buổi chiều nên kết quả kiểm tra viết khả quan. Thế nhưng, ở những trường học một buổi, học sinh không được rèn viết thêm thì kết quả viết thấp hơn. Có đúng rằng phải có phần dạy nghe viết riêng biệt trong chương trình Học Vần thì học sinh mới có thể "nghe viết chính tả" trong giai đoạn học vần? Có lẽ nên bắt đầu quá trình suy nghĩ để tìm câu trả lời cho câu hỏi vừa nêu trên bằng một câu hỏi khác. Đó là câu hỏi: Tại sao sách giáo khoa Tiếng Việt 1 ở 21 tuần đầu được gọi là Học Vần và có cấu tạo hoàn toàn khác với sách giáo khoa Tiếng Việt của 4 cấp lớp trên ở tiểu học?

Trước khi bắt đầu học chữ, học sinh 5 hay 6 tuổi biết nói và nghe tiếng Việt nhưng chưa biết đọc và viết tiếng Việt, nghĩa là chưa nắm được tiếng Việt văn hoá, tiếng Việt dưới dạng ngôn ngữ viết. Cho nên làm sao có thể triển khai trong sách giáo khoa các ngữ liệu để học đọc, kể, viết hay học từ ngữ, ngữ pháp như ở các lớp trên. Nói cách khác, học vần là giai đoạn đầu tiên trong quá trình học đọc viết ở trường phổ thông, còn được gọi là giai đoạn tiền kỹ năng đọc. Giai đoạn học này rèn cho học sinh những kỹ năng giải mã ký tự và khả năng nhận diện từ, tạo nền móng cho việc hình thành kỹ năng đọc và viết cho học sinh tiểu học.

Việc rèn luyện các kỹ năng giải mã lớp 1 ( như kỹ năng xem xét, nhận diện các âm, vần tạo thành từ ngữ; kỹ năng nhận diện sự tương hợp giữa âm thanh và chữ viết; kỹ năng đánh vần; kỹ năng đọc trơn….) nhằm bước đầu hình thành cho học sinh khả năng nhận diện từ ngữ. Nhận diện từ ngữ là hành động liên kết mặt chữ viết của một từ hay ngữ trong văn bản viết với nghĩa của nó. Nhận diện từ là điểm then chốt, quan yếu nhất của quá trình lĩnh hội năng lực đọc viết. Các kỹ năng đọc cao cấp như hiểu, tư duy có cơ sở, phát triển vốn từ, đọc có mục đích hay đọc giải trí và viết sau này đều cần phải dựa vào khả năng nhận diện từ. Trước khi có thể đạt đến trình độ đọc tự lực để mở rộng kiến thức, phát triển trí tuệ, mỗi học sinh với tư cách là một người đọc nhất thiết phải nhận diện được từ ngữ, nghĩa là, các em muốn đọc được phải nhận diện mặt chữ viết của từ ngữ khi đọc và hình dung ra mặt chữ viết của các tiếng khi nghe rồi liên kết chữ viết với nghĩa của các từ ngữ ấy.

Theo cách hiểu trên, học vần là một hoạt động tổng hợp đọc và viết. Cho nên dạy học vần là quá trình tổ chức cho học sinh thực hành kỹ năng nhận diện từ thông qua việc rèn luyện kỹ năng đọc viết một cách liên hoàn tích hợp. Chương trình học vần tập trung vào yêu cầu dạy đọc đúng, đọc trơn tiếng và gắn kết chặt chẽ với việc dạy viết đúng mẫu chữ ghi các âm, vần, tiếng, từ, câu đã đọc, tập chép các những từ, câu ứng dụng, tập ghi dấu câu như dấu hỏi, dấu chấm, dấu phẩy. Trong phạm vi tiết học vần, viết là phương tiện hỗ trợ cho việc khắc sâu biểu tượng chữ viết ghi âm, vần, tiếng mà học sinh đang học nhằm giúp học sinh hình thành và phát triển khả năng nhận diện từ ngữ tạo cơ sở cho học sinh lĩnh hội kỹ năng đọc và viết. Nghe viết trong dạy học vần chính là cách đo lường khả năng nhận diện từ của học sinh vậy. Ở đây cần phân biệt mục đích của viết trong tiết học vần với viết trong tiết tập viết, đặc biệt là viết trong phân môn Chính tả mà phải đến sau Học Vần học sinh mới có tiết học.


II. Làm thế nào để dạy đọc viết trong học vần hiệu quả và vui tươi?

Sau đây chúng tôi xin trình bày một số biện pháp dạy học giúp hình thành và phát triển khả năng nhận diện từ cho học sinh, góp phần gia tăng hiệu quả việc dạy học vần chương trình lớp Một sau 2000.

  1. Giảm thời gian luyện viết chữ trong phần dạy viết trong tiết học vần. Mục đích của phần dạy viết trong tiết học vần là giúp học sinh nắm cấu tạo chữ viết của vần hay tiếng tiêu biểu có chứa âm vần ấy, thông qua đó giúp học sinh khắc sâu vào trí biểu tượng chữ viết ghi âm. vần đang học Thế nhưng, hiện nay, giáo viên thường dành nhiều thời gian cho học sinh tập viết vào vở trong khi dạy học vần. Để thêm thời gian luyện tập kỹ năng giải mã và nhận diện từ cho học sinh, theo chúng tôi, chỉ nên cho học sinh viết mẫu vài chữ tại lớp, sau đó cho tập viết ở nhà hoặc trong giờ ngoài chính khoá.
  2. Giảm phần luyện đọc phát âm nếu như vần âm đó hầu hết học sinh không gặp khó khăn. Vì ở đây là học sinh Việt học tiếng Việt. Đến tuổi vào lớp Một, hầu hết các em đã có thể sử dụng đúng hầu hết các âm vần của tiếng mẹ đẻ trong khi nói. (Dĩ nhiên, ở đây cần loại trừ điều đòi hỏi học sinh mọi miền đều nói chính âm)
  3. Dành thêm thời gian cho học sinh đánh vần vần hoặc đọc nhẩm kết hợp viết trên không các vần, tiếng đã học, đặc biệt đối với lớp có nhiều học sinh yếu để giúp các em có thể hình dung ra cấu tạo chữ viết trong trí mình một cách rõ ràng.
  4. Tăng cường hoạt động nhận diện âm vần đã học trong phần kiểm tra bài cũ và củng cố bài học:
    • Học sinh có thẻ ghi vần, âm đã học, nghe giáo viên đọc một dãy từ, nếu nghe thấy tiếng mang âm vần ấy thì giơ cao thẻ vần đang có và đọc trơn tiếng ấy.
    • Đọc bài thơ ngắn, truyện ngắn vui, câu văn dí dỏm trong đó có chứa tiếng mang âm vần đã học, đề nghị học sinh lắng nghe và phát hiện và nói các tiếng từ ấy.
    • Giáo viên đọc một cụm từ hay một câu ngắn có từ bỏ trống (diễn tả chỗ trống bằng cách nói "đa …đa…. đa…."), yêu cầu học sinh lắng nghe và tìm từ để điền vào chỗ trống ấy. Lưu ý, từ cần điền là từ chứa âm hay vần đang học. Sau mỗi lần tìm được từ điền, giáo viên yêu cầu học sinh nói lại cả câu hoặc phân tích cấu tạo từ đã điền.
    • Giáo viên đọc một cụm từ hay một câu ngắn yêu cầu học sinh lắng nghe và tìm từ thay thế cho một từ nào đó trong câu mà không làm cho ý thay đổi. Lưu ý, từ cần thay thế chắc hẳn là từ có chứa âm hay vần đang học. Sau mỗi lần tìm được từ thế, giáo viên yêu cầu học sinh nói lại cả câu hoặc phân tích cấu tạo từ đã điền.
    • Chơi trò lô tô: Giáo viên đưa ra một bảng gồm các âm hay vần đã và đang học. Photo bảng này cho mỗi em một tờ. Mỗi học sinh có một số hạt đậu hay nút áo, hay sỏi. Giáo viên đọc từng vần kèm theo ví dụ một từ có chứa vần đó. Học sinh lắng nghe các vần được đọc lên, đặt hạt đậu hay nút áo hay sỏi lên các vần trong bảng. Khi học sinh nào có đủ các vần theo một hàng trên thẻ thì người này sẽ hô là "Thắng rồi". Giáo viên kiểm tra bảng vần của học sinh vừa hô "Thắng" và nêu tên người thắng cuộc. Cuối cùng cho các em đọc trơn các từ ở một vài hàng trong bảng từ.
  5. Khai thác kinh nghiệm âm thanh (ngôn ngữ nói) của học sinh trong phần giới thiệu bài mới để giúp các em ý thức về sự tương hợp giữa âm thanh và nghĩa (cái mà các em đã từng sử dụng, từng nghe) với chữ viết (cái mà em đang học trong tiết học vần) của từ ngữ
    Hiện nay, giáo viên thường chỉ dùng tranh ảnh để khơi gợi kinh nghiệm học sinh nói về các tiếng từ có chứa âm vần mà học sinh sẽ học, để từ đó giới thiệu bài học vần. Ngoài việc dùng tranh ảnh, chúng tôi nghĩ giáo viên có thể sử dụng nhiều cách khác để tránh tình trạng đơn điệu trong khâu giới thiệu bài. Sau đây tôi xin đưa ra vài biện pháp giới thiệu bài ngoài cách dùng tranh ảnh:
    • Cho HS nghe một câu hát hay câu thơ và đề nghị HS lắng nghe xem trong đó có tiếng nào nghe như vần "oan, oan….." hay nghe như âm "đờ, đờ,…..". Nên chọn câu có chứa nhiều tiếng mang âm vần sẽ học. Khi nói, giáo viên cần phát âm nhấn mạnh các âm vần HS sẽ học. Ngay sau khi học sinh nêu ra tiếng chứa vần hay âm ấy, giáo viên giới thiệu mặt chữ ghi âm vần ấy và viết lên bảng.
    • Chọn một tít của bài báo trong đó có các từ có chứa các âm vần học sinh đã học và âm vần chưa học. Giáo viên cho HS quan sát tít bài báo và nhận diện xem từ nào có vần âm chưa học. HS chỉ ra và giáo viên giới thiệu âm vần ấy lên bảng.
    • Giáo viên nói một câu trong đó cố ý phát âm lệch một vài từ có chứa âm vần sẽ học. Đề nghị học sinh lắng nghe phát hiện từ được phát âm lệch và phát âm sửa lại. Từ đó, giáo viên giới thiệu mặt chữ viết ghi âm/vần này.
    • Giáo viên đưa ra một chủ đề thí dụ như trái cây, rau, cá, đề nghị học sinh nêu ra các từ về chủ đề. Giáo viên dừng lại và nhấn mạnh vào tên một loại trái cây hay rau …. nào đó có mang âm vần sẽ học bằng cách hỏi học sinh thích không…….. Từ đó giáo viên giới thiệu âm vần và chữ ghi âm vần cần học.
  6. Tăng cường hoạt động nghe viết hay tự viết những tiếng, từ, cụm từ có chứa âm vần đã học trong phần kiểm tra bài cũ và củng cố bài học:
    • Giáo viên đưa ra một bảng từ hay âm vần. Giáo viên chọn đọc một từ trong mỗi hàng. Học sinh lắng nghe phải nhận ra âm, vần hay từ nghe được và khoanh tròn âm, vần hay từ đó hoặc viết ra trên bảng con. Hoạt động này có thể tổ chức theo hình thức cá nhân hay toàn lớp.
    • HS nghe một bài thơ ngắn, truyện ngắn vui, câu văn dí dỏm, một câu hát, phát hiện và viết các tiếng từ có chứa tiếng mang âm vần đã học (nên cho học sinh biết rõ số lượng từ cần tìm ).
    • HS nghe một cụm từ hay một câu ngắn có từ bỏ trống (diễn tả chỗ trống bằng cách nói "đa …đa…. đa…."), yêu cầu học sinh lắng nghe và tìm từ để viết điền vào chỗ trống ấy. Lưu ý, từ cần điền là từ chứa âm hay vần đang học.
    • Giáo viên đọc một cụm từ hay một câu ngắn yêu cầu học sinh lắng nghe và tìm rồi viết từ thay thế cho một từ nào đó trong câu mà không làm cho ý thay đổi vào bảng con.
    • Cho vài câu, mỗi câu với một chỗ trống đề nghị học sinh tìm rồi viết từ điền vào chỗ trống ấy (dùng bảng viết sẵn hay thẻ bằng giấy cứng).
    • Cho vài câu, mỗi câu với một chỗ trống, trên mỗi chỗ trống giáo viên đưa ra vài con chữ đầu gợi ý và đề nghị HS hoàn thành để có một từ điền (Thí dụ: t……….; nh…………..;)
    • Cho vài câu, mỗi câu với một chỗ trống, trên mỗi chỗ trống giáo viên đưa ra ba từ, cả ba từ đều có chứa âm hay vần đang học, đề nghị HS chọn một từ thích hợp để điền.
    • Làm một cuộn phim bao gồm chuỗi những hình ảnh có liên quan với nhau, cho học sinh xem phim và viết từ thích hợp để đặt tên cho mỗi bức tranh. (Dụng cụ làm phim là một hộp bằng giấy cứng, mặt trước hộp chừa khoảng trống để cho phim hiện ra. Các hình ảnh được vẽ liên hoàn trên một miếng giấy dài và được dán vào đầu hai thanh cây nhỏ rồi cuộn vào. Luồn cây vào phía trong hộp rồi cho xuyên cây qua đáy hộp. Khi chiếu phim giáo viên quay xuôi theo thứ tự các tranh)
  7. Tăng cường hoạt động tạo từ, tiếng có chứa âm, vần đang học
    • Ghép các con chữ thành vần hay tiếng: HS dùng một số con chữ vừa bằng số lượng con chữ mà một vần hay tiếng có, ghép các con chữ thành vần hay tiếng và đọc chúng.
    • Ghép các con chữ thành vần hay tiếng: HS dùng một số con chữ nhiều hơn số lượng con chữ mà một vần hay tiếng có, chọn ra những con chữ thích hợp để ghép các con chữ thành vần hay tiếng và đọc chúng.
    • Trò chơi tạo từ: giáo viên dán lên bảng hay đưa cho mỗi em một bảng có ghi khoảng 10 từ. Sau đó, GV đưa ra khoảng 20 thẻ, mỗi thẻ ghi một phần của 10 từ trên. HS úp các thẻ xuống mặt bàn. Đến lượt mình, mỗi em bốc hai thẻ. Nếu hai thẻ này tạo thành một từ như trên mảnh giấy thì em ấy được giữa từ đó. Nếu không thì úp thẻ từ ấy lại. Trò chơi cứ tiếp tục như thế cho đến khi tất cả 10 từ đã được tạo ra và không còn thẻ nào chưa được ghép. từ. Học sinh nào có nhiều từ nhất thì sẽ là người chiến thắng.
    • Sáng tạo bài vè: chia lớp thành hai nhóm lớn, mỗi thành viên trong nhóm lần lượt tạo ra một từ chứa một số âm vần đã học, luân phiên nhóm này với sang nhóm khác. Từ được tạo trước ra cần phải ghép được với từ được tạo ra kế tiếp thành chuỗi lời nói có ý nghĩa.
    • Chơi trò "Tôi có vần gì" hoặc "Tôi có âm đầu gì?: Giáo viên đưa ra một bảng gồm các từ có chứa âm vần đã và đang học. (bảng này có thể photo cho mỗi em một tờ). Đến mỗi từ, một học sinh tự giới thiệu từ của mình và hỏi tôi có vần gì, hay tơi có âm đầu gì, thế là cả lớp cùng trả lời. Ví dụ: đến chữ "chuối", một học sinh nói "Tôi là "chuối". Đố bạn tôi có vần gì?"
    • Trò chơi giúp trẻ tập trung: Mỗi nhóm học sinh có hai bộ thẻ từ hoặc âm vần. Các em đặt hai bộ thẻ từ ấy vào hai miếng bià cứng hay hai tấm bảng và úp các thẻ xuống. Đến lưột mình, học sinh bốc hai thẻ từ hai bộ (mỗi bộ một thẻ). Nếu hai thẻ có thể kết thành từ thì em được giữ lấy. Trò chơi cứ tiếp tục như thế cho đến khi tất cả 10 từ đã được tạo ra và không còn thẻ nào chưa được ghép. từ. Học sinh nào có nhiều từ nhất thì sẽ là người chiến thắng.
  8. Thường xuyên tạo điều kiện cho học sinh đối chiếu cấu tạo của các chữ viết, nói thành lời miêu tả cấu tạo của các chữ viết, đặc biệt đối với các vần khó.
    • Trình bày các vần có cấu tạo gần giống nhau thành bảng, đề nghị học sinh (làm việc cá nhân hay nhóm) cho ví dụ từ kèm theo mỗi vần. Nhóm nào có nhiều từ thí dụ sẽ được khen thưởng.
    • Giáo viên đưa ra một bảng từ gồm nhiều từ khác nhau, đề nghị học sinh nhóm từng cặp từ có cấu tạo gần giống nhau (chỉ khác biệt một hay hai nét nào đó).
    • Đưa ra các thẻ từ hay bảng gồm các từ chứa các vần mà học sinh của lớp thường viết sai và đề nghị học sinh quan sát, nhận xét và đưa ra cách sửa. Ví dụ: "cồun cộun" "thoe"…
  9. Quan tâm đồng đều đến các học sinh bằng cách khuyến khích và tạo cơ hội cho tất cả các em hoạt động bằng cách:
    • Luôn kết hợp cả ba hình thức học tập: cá nhân, nhóm/cặp, toàn lớp trong một tiết dạy.
    • Tránh sử dụng quá nhiều kiểu đàm thoại toàn lớp.
    • Tạo điều kiện cho mỗi cá nhân học sinh làm việc với sách giáo khoa, sử dụng sách giáo khoa như phương tiện tìm tòi khám phá. Đối với ngữ liệu mà sách đã có rất rõ và đẹp thì tránh sao chụp, phóng to làm đồ dùng trực quan theo kiểu học toàn lớp, ngoại trừ nếu thấy với phương tiện trực quan ấy, giáo viên có thể thực hiện tiết dạy hiệu quả hơn.