Tìm và đưa thơ sách vào SGK Tiếng Việt tiểu học 2000 In
Thứ năm, 24 Tháng 2 2011 12:00

TS. Nguyễn Thị Ly Kha, ĐHSP TP HCM

        Có thể nói rằng tác phẩm văn học là một yếu tố cấu thành sách giáo khoa Tiếng Việt (TV) tiểu học, sách Ngữ văn trung học... Thật khó hình dung nổi nếu phương tiện để giáo dục nhân sinh cho học sinh lại thiếu vắng những bài thơ – những sản phẩm lao động sáng tạo nghệ thuật của thi sĩ. Với sức mạnh của thi ca, những vần thơ

như Hôm qua em tới trường / Mẹ dắt tay từng bước / Hôm nay mẹ lên nương / Một mình em tới lớp. / Hương rừng thơm đồi vắng / Nước suối trong thầm thì / Cọ xoè ô che nắng / Râm mát đường em đi (Đi học, Minh Chính, TV1, t2); Mỗi sớm mai thức dậy / Luỹ tre xanh rì rào / Ngọn tre cong gọng vó / Kéo mặt trời lên cao. (Lũy tre, Nguyễn Công Dương, TV2); Sáng đầu thu trong xanh / Em mặc quần áo mới / Đi đón ngày khai trường / Vui như là đi hội. (Ngày khai trường, Nguyễn Bùi Vợi, TV3); Quê hương là chùm khế ngọt /Cho con trèo hái mỗi ngày / Quê hương là đường đi học / Con về rợp bướm vàng bay./ Quê hương là con diều biếc / Tuổi thơ con thả trên đồng (Quê hương, Đỗ Trung Quân, TV4); Ở tận sông Hồng, em có biết / Quê hương anh cũng có dòng sông /Anh mãi gọi với lòng tha thiết: Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ Đông! (Hoài Vũ, TV4); Đẽo cày theo ý người ta / Sẽ thành khúc gỗ, chẳng ra việc gì /Tôi nghe truyện cổ thầm thì / Lời cha ông dạy cũng vì đời sau (Tôi yêu truyện cổ nước mình, Lâm Thị Mỹ Dạ, TV4); Mai rồi con lớn khôn / Chim không còn biết nói / Gió chỉ còn biết thổi.../ Đi qua thời ấu thơ / Bao điều bay đi mất / Chỉ còn trong đời thật / Tiếng người nói với con / Hạnh phúc khó khăn hơn / Mọi điều con đã thấy / Nhưng là con giành lấy / Từ hai bàn tay con... (Sang năm con lên bảy, Vũ Đình Minh, TV5),… đã cùng thầy cô giáo giúp học sinh thụ đắc bài học làm người một cách tự nhiên như cơm ăn nước uống hàng ngày nuôi dưỡng cơ thể. Có không ít bài thơ trong sách giáo khoa tiểu học đã “đi qua” 2 thậm chí 3 thế hệ trong một gia đình. Những bậc làm ông làm bà, làm cha làm mẹ, vừa vui, vừa ngạc nhiên khi gặp lại trong bài học của con, cháu mình bài thơ ngày xưa mình đã học. Đấy là những bài thơ gần gũi với tâm hồn, với cách nghĩ của trẻ, những bài thơ được viết từ nỗi rung cảm, từ tình yêu thương trẻ nhỏ của nhà thơ.
Không giới hạn ở chức năng chuyển tải những bài học nhân sinh, mà cả những kiến thức về từ ngữ, ngữ pháp, những kĩ năng đọc văn bản, viết chính tả, dùng từ viết câu, tập làm văn,… cũng được thơ văn gồng gánh trên đôi vai của mình mang đến cho học sinh những bài học, những cảm xúc tươi mới,... Ở chương trình tiểu học 2000, kiến thức về Ngữ chiếm tỉ lệ nhiều hơn kiến thức về Văn và được tích hợp thành một môn, được thể hiện chung trong một cuốn sách – sách môn “Tiếng Việt”. Sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học (sách cải cách cũng như sách hiện hành và chắc chắn là sách của cả những vòng thay sách sau này) được chia thành nhiều chủ điểm xoay quanh trục chính nhà trường - gia đình - thiên nhiên đất nước được sắp xếp theo hướng kế thừa và phát triển theo kiểu đồng tâm và xoáy ốc, được gọi bằng những cái tên giản dị thân thuộc nhưng vẫn đầy sức gợi, sức khái quát, như Em là học sinh, Bạn trong nhà, Ngôi nhà chung, Bầu trời và mặt đất, Thương người như thể thương thân, Măng mọc thẳng, Trên đôi cánh ước mơ, Có chí thì nên, Tiếng sáo diều, Người ta là hoa đất, Vẻ đẹp muôn màu, Những người quả cảm, Khám phá thế giới, Tình yêu cuộc sống, Việt Nam tổ quốc em, Cánh chim hòa bình, Giữ lấy màu xanh, Vì hạnh phúc con người, Vì cuộc sống thanh bình, Những chủ nhân tương lai,... Có thể nói rằng sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt tiểu học không mảy may gây cái khuôn giới hạn sức ngân vang, tầm bay bổng của thi ca.
Từ nội dung chương trình, từ chủ điểm, tác giả SGK đi tìm tác phẩm văn học và biên soạn thành bài học giáo khoa sao cho vừa phải đảm bảo tính giáo dục vừa cung cấp kiến thức ngôn từ, kiến thức về đời sống xã hội cho trẻ thơ. Những bài thơ tác giả SGK phải tìm buộc phải thỏa mãn không ít yêu cầu, như phải gắn với chủ điểm, phải vừa có giá trị thẩm mĩ, giá trị giáo dục cao, vừa phù hợp đặc điểm tâm sinh lý, đặc điểm nhận thức của học sinh tiểu học, vừa góp phần rèn luyện nhân cách vừa góp phần rèn luyện lời ăn tiếng nói cho HS,... Chương trình, đề cương mà chủ biên và hội đồng xây dựng cũng yêu cầu tác giả SGK phải chọn thơ sao cho phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại, đặc sắc về cấu tứ, tinh tế hàm súc về ngôn từ,... Đồng thời, với việc tìm chọn những bài thơ đảm bảo giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật, tác giả sách giáo khoa còn phải chú trọng tính đa thanh, đa sắc của vùng miền, của các thế hệ nhà thơ,… Có thể nói mà không hề quá rằng tìm được bài thơ, bài văn làm ngữ liệu cho việc biên soạn các bài học, người viết sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học 2000 đã hoàn thành hơn 90% công việc được giao.
Tỉ lệ thơ so với văn xuôi ở mỗi lớp và mỗi phân môn không hoàn toàn như nhau. Điều này tùy thuộc vào thế mạnh của mỗi thể loại trong sự gắn với nhiệm vụ chuyển tải các đơn vị kiến thức. Xin nêu một vài ví dụ minh chứng. SGK Tiếng Việt 1, tập 2, phần Học vần có 20 bài (kể cả các bài ôn tập), thì chỉ có 3 bài Tập đọc ứng dụng có vần đã học là câu văn xuôi (bài cho vần oanh, oach, tr.26-27; bài cho vần oat, oăt, tr.28-29; bài cho vần uynh, uych, tr.40-41) còn lại 17 bài đọc đều là trích đoạn thơ, ca dao. Ở lớp 1 (sau phần Học vần) và ở lớp 2, 3, mỗi tuần có 3 tiết Tập đọc, thì có 1 bài thơ và 2 bài văn xuôi được dùng làm ngữ liệu; lên lớp 4, 5 tỉ lệ thơ xuất hiện trong các bài Tập đọc ít hơn văn xuôi nhưng vẫn phải đảm bảo mỗi chủ điểm (thường là ba tuần) có ít nhất một bài thơ cho các tiết Tập đọc.
Văn bản từ các nguồn từ sách in, báo in đến sách báo trên mạng Internet; từ tác phẩm trong nước đến tác phẩm nước ngoài, đến tìm lại từ sách giáo khoa cũ,... đều được tác giả sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học tìm tòi, lục soát với nhiều phương thức, trong đó có cả “chiêu thức” tìm cách tiếp cận, gặp gỡ các nhà thơ, nhà văn để đặt hàng sáng tác bài vở cho chủ điểm mình cần.
Không ít bạn đọc, nếu không xem sách giáo khoa tiểu học thì thường vẫn nghĩ thơ chỉ dùng làm ngữ liệu cho cho các bài tập đọc mà thôi (?!). Hoàn toàn không phải thế. Trong SGK Tiếng Việt tiểu học, với ưu thế về sức mạnh ngôn từ và tầm tác động của mình, thơ được các tác giả SGK dùng làm dẫn liệu cho kể chuyện, cho tập làm văn, như Đọc bài thơ sau, dựa vào bài thơ em hãy kể lại chuyện “Nàng tiên ốc” (Xuân Quỳnh), chuyện “Bác rùa biết bay” (Nguyễn Hoàng Sơn), Dựa vào bài thơ “Con vện” (Nguyễn Hoàng Sơn), em hãy tả lại chú chó vện; ở cả kiểu bài thuyết trình tranh luận, kiểu viết biên bản về một vụ việc, việc sử dụng ngữ liệu là một bài thơ ngụ ngôn kiểu như Mỡ và hành cãi nhau, Vịt đánh vỡ trứng như thế nào (Nguyễn Hoàng Sơn),… đã khiến HS đón nhận và thực hiện một cách đầy hứng khởi và hiệu quả.
Có thể mở bất cứ trang sách nào của sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học, ở mỗi tuần mỗi chủ điểm, ta đều dễ dàng bắt gặp những câu thơ, đoạn thơ được làm dẫn liệu cho các kiểu rèn luyện chính tả, từ chính tả nghe viết đến chính tả trí nhớ, từ chính tả đoạn bài đến chính tả điền khuyết, như: Điền vào chỗ trống: a) l hay n? …ăm gian …ều cỏ thấp …e te / Ngõ tối đua bay đóm ..ập ..òe / …ưng dậu phất phơ chòm khói nhạt /…àn ao …óng …ánh bóng trăng …oe. (TV4,1); Tìm trong đoạn thơ đã viết chính tả các tiếng có vần… Trong nhiều bài Luyện từ và câu, ngữ liệu cho bài học và bài tập là những vần thơ giàu hình ảnh, như “Tìm các hình ảnh so sánh trong những câu thơ, câu văn dưới đây: a) Mắt hiền sáng tựa vì sao / Bác nhìn đến tận Cà Mau cuối trời (Thanh Hải); b) Em yêu nhà em / Hàng xoan trước ngõ / Hoa xao xuyến nở / Như mây từng chùm (Tô Hà); c) Mùa đông / Trời là cái tủ ướp lạnh / Mùa hè / Trời là cái bếp lò nung (Lò Ngân Sủn)” (TV3, t1); Nghĩa của các từ in đậm trong khổ thơ sau có gì khác với nghĩa của chúng ở bài tập 1? Răng của chiếc cào / Làm sao nhai được ? Mũi thuyền rẽ nước / Thì ngửi cái gì ? Cái ấm không nghe / Sao tai lại mọc ? (Quang Huy, TV5, t1), v.v..
Thậm chí, thơ còn chở cả cái môn “mạnh hơn bão táp” trên đôi cánh thi ca bay bổng của mình một cách “tự nhiên nhi nhiên”. Chẳng hạn không phải là không có những bài tập kiểu như “Tìm vế câu chỉ điều kiện (giả thiết), vế câu chỉ kết quả và các quan hệ từ nối chúng trong những ví dụ sau: (…). b) Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng/ Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương/ Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm / Là người, tôi sẽ chết cho quê hương.” (TV5, t2, tr.39); Tìm các từ chỉ sự vật trong đoạn thơ sau: Mang theo truyện cổ tôi đi / Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa / Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa / Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi / Đời cha ông với đời tôi / Như con sông với chân trời đã xa / Chỉ còn truyện cổ thiết tha /Cho tôi nhận mặt ông cha của mình. (Lâm Thị Mỹ Dạ, TV4, t1).
Cứ thế, những trang văn, trang thơ của các nhà thơ, nhà văn đã giúp thầy cô giáo thắp sáng niềm vui đến với tri thức của trẻ. Và tình yêu cuộc sống, khát vọng hiểu biết cái mới càng được tích luỹ, được nhân lên theo năm tháng. Có thể nói nếu cuộc sống không tạo nên một sức hút kì lạ thì khó mà có được những dòng thơ, những lời văn đẹp đẽ đáng yêu đến thế và ngược lại chính những lời thơ đầy chất thơ ấy đã là một trong những lực hút mạnh mẽ đưa các em đến trường.
Có thể nói một cách hình ảnh rằng trên hành trình đi tìm những bài thơ hay cho học sinh tiểu học, người biên soạn SGK đã gặp không ít chông gai của trở ngại. Cái trở ngại không chỉ vì có những tác phẩm đạt phần tư tưởng, thỏa mãn chủ điểm, chứa đựng cả yếu tố chính tả, ngữ pháp cần dạy cho học sinh nhưng lại nặng tính giáo huấn, đọc lên như những bài ca giáo lí, thậm chỉ nghe “cứ giả giả” nên tác giả sách giáo khoa đành “ngậm ngùi cầm lòng vậy, đành lòng vậy, rầu lòng vậy”. Trở ngại cũng còn vì có những khi tác giả SGK tìm được văn bản hay, thỏa mãn hầu hết mọi tiêu chí (chủ đề, ngôn từ, nghệ thuật, dung lượng) và bài soạn được hoàn thành, thậm chí có bài đã lên khuôn nhưng rồi không được chấp thuận chỉ vì những lý do “nhạy cảm và tế nhị”. Chúng tôi rất tiếc những trường hợp như thế này do lực bất tòng tâm.
Và ngược lại, cái khó còn đến từ việc khó tìm ra, thậm chí tìm không được những bài thơ hay cho những chủ điểm như Có chí thì nên, Người công dân, Vì cuộc sống thanh bình, Nam và nữ,… Nhưng đề cương đã duyệt, thời hạn đã hết, Nhà xuất bản thúc giục và các tác giả sách giáo khoa đành phải đưa những bài mình chưa thật “vừa ý” làm văn bản được chọn.
Để đạt được mục đích khơi gợi cho trẻ niềm vui học, dĩ nhiên người đồng hành cùng các nhà soạn SGK là các nhà văn, nhà thơ, là các thầy cô giáo – những người không chỉ thắp lên mà còn duy trì, nuôi dưỡng ngọn lửa và lòng đam mê khám phá thế giới con chữ, thế giới nội tâm, thế giới tri thức cho các em. Vòng đời một bộ sách giáo khoa sẽ không phải là 3, 4 chục năm như trước mà sẽ ngắn hơn. Tuy nhiên, vòng sách giáo khoa nào cũng đón nhận và mong đón nhận những bài thơ hay, những bài thơ tốt về nội dung lẫn hình thức. Và sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học không giới hạn đề tài, loại thể, chủ đề, phong cách của thơ ca. Có thể nói chúng ta không sợ xa lạ những thứ thuộc về vật chất như cảnh vật, phương tiện, đi lại,... mà chúng ta sợ xa lạ với tâm hồn, cách nghĩ của trẻ. Nhà thơ Trần Nhuận Minh có lần nói đại ý là viết cho trẻ con phải nói được cái "tình", phải có cái "văn". Viết cho trẻ con mà toàn nói "lý", ý nghĩ dạy trẻ tức nội dung giáo huấn được hình thành trước khi cầm bút, thơ ca chỉ là cái xe để chở nó thì khó mà có thể có thơ hay cho các em.
Trình bày những ý kiến nhỏ nhặt này theo lời mời tham dự Hội thảo của một thành viên trong ban tổ chức, chúng tôi không khỏi không liên tưởng tới ý kiến của GS. Nguyễn Văn Tuấn – Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan (Úc) về “kỹ năng mềm” của nhà khoa học. Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, nhà khoa học sẽ “chuyên nghiệp” và “thành công” hơn khi họ được trang bị “kỹ năng lobby”. Ông giải thích đấy là “những kĩ năng làm cho công trình nghiên cứu của mình được ghi nhận, được đề cập và trích dẫn, và qua đó gây ảnh hưởng trong chuyên ngành.”; “muốn cho công trình của mình được nhiều người biết đến thì nhà khoa học phải biết cách “chào hàng” ý tưởng và công trình của mình trong các diễn đàn khoa học, phải biết tận dụng tất cả cơ hội để quảng bá nghiên cứu của mình đến cộng đồng khoa học”, chứ không nên chỉ chờ đợi “hữu xạ tự nhiên hương” (Phạm Hiệp, Bản tin ĐHQG Hà Nội 12/2009). Thiển nghĩ, để giúp tác giả sách giáo khoa chọn được bài thơ hay cho các em trong điều kiện nhà nhà làm thơ, người người làm thơ, nơi nơi in thơ, phát hành thơ như ở Việt Nam ta hiện nay, các nhà thơ và Hội nhà văn cần PR, cần lobby tác phẩm của mình.
Và nếu vậy chắc chắn đợt thay sách giáo khoa trong vòng dăm bảy năm tới và những vòng tiếp theo, những bài thơ hay sẽ đến được với trang sách giáo khoa, cùng thầy cô giáo góp phần đào tạo và bồi dưỡng những chủ nhân tương lai của đất nước – những con người mới của giai đoạn mới, giai đoạn hội nhập, giai đoạn của nền kinh tế tri thức.
Nói đi xuôi rồi, cũng xin được nói ngược một chút cho trọn vẹn, cho khỏi “nghiêng về bên nọ, lệch sang phía kia”. Đó là để có được tác phẩm hay dùng trong sách giáo khoa, tuổi thơ và cả xã hội đòi hỏi: không những nhà thơ phải có thơ hay cho con trẻ, mà tác giả sách giáo khoa cũng phải được “chuyên nghiệp”  để tránh bỏ sót, phí phạm  những bài thơ hay cả về nội dung lẫn nghệ thuật.

(Báo cáo tại Hội thảo "Thơ trong nhà trường", Hội Nhà văn Việt Nam-ĐH Đồng Tháp 01/2011)