Dạy học văn học Việt Nam đai cương cho sinh viên ngành giáo dục Tiểu học theo hướng tự học In
Chủ nhật, 13 Tháng 9 2015 17:14

DẠY HỌC VĂN HỌC VIỆT NAM ĐẠI CƯƠNG
CHO SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC TIỂU HỌC
THEO HƯỚNG TỰ HỌC

Nguyễn Thị Thu Thủy[*]

Tóm tắt: Là một thành tố quan trọng trong chương trình giáo dục đại học tiểu học Việt Nam, môn Văn học Việt Nam đại cương đang đáp ứng những yêu cầu mới, đó là hướng tới đào tạo kiến thức nghề và kỹ năng nghề cho người giáo viên tiểu học. Mục tiêu của môn học này đòi hỏi một chủ thể dạy học phải có những hiểu biết tổng quan về văn học Việt Nam, hình thành kỹ năng phân tích - tổng hợp về các giai đoạn, các tác giả, tác phẩm tiêu biểu; kỹ năng tiếp nhận tác phẩm văn học Việt Nam; kỹ năng dạy đọc, kể văn học ở trường tiểu học Việt Nam, ý thức tự học, tự nghiên cứu, thái độ trân trọng di sản văn học quý báu của dân tộc, ý thức giữ gìn sự trong sáng và giàu đẹp của tiếng Việt; khát vọng và nhiệt hứng nhân rộng những thái độ tình cảm tốt đẹp đối với văn học Việt Nam ở lứa tuổi tiểu học.

Từ khóa: Chương trình, văn học, đại cương, kiến thức nghề, kỹ năng nghề, kỹ năng phân tích, tổng hợp, kỹ năng tiếp nhận.

TEACHING INTRODUCTION TO VIETNAMESE LITERATURE
TO STUDENTS OF PRIMARY EDUCATION FOLLOWING A SELF-STUDY APPROACH

Abstract: An important part in tertiary primary education curriculum in Vietnam, the course Introduction to Vietnamese Literature is meeting new requirements, which focus on training primary school teachers with professional knowledge and skills. The objective of this course is to provide an overview of Vietnamese literature and to develop 1. skills for analysising and synthesizing various literary periods, authors, and notable works, 2. skills for perceiving Vietnamese literature, 3. pedagogical skills for storytelling and teaching reading at primary schools, 4. self-study and research skills, 5. respect and appreciation towards the Vietnamese literary heritage and the Vietnamese language (by preserving its purity and richness), 6. enthusiasm and the desire to instil nice sentiments towards Vietnamese literature in primary school students.

Keywords: syllabus, literature, introduction, professional knowledge, professional skills, analysising and synthesizing skills, perceiving skills.

1. Đặt vấn đề

Văn học nghệ thuật là một “vũ khí vô song” có vai trò quan trọng trong sự nghiệp trồng người, có tác dụng sâu sắc và lâu bền trong tâm hồn và trí tuệ bạn đọc. Đó là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống.

Trong chương trình giảng dạy ở khoa Giáo dục Tiểu học (Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh), các môn Văn học nói chung và môn Văn học Việt Nam đại cương là một thành tố quan trọng của chương trình đào tạo.

Nếu môn Ngữ văn và môn Tiếng Việt trong nhà trường phổ thông là góp phần hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh, phát triển kỹ năng ngôn ngữ bằng phương tiện đặc thù thì môn Văn ở trường Đại học Sư phạm thuộc chuyên ngành Giáo dục Tiểu học lại hướng tới đào tạo kiến thức nghề và kỹ năng nghề cho sinh viên, những giáo viên tiểu học tương lai.

2. Nội dung

2. 1. Chương trình Văn học Việt Nam đại cương cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học

2. 1. 1. Mục tiêu học phần

Thế kỷ XXI là thế kỷ của toàn cầu hóa, đa văn hóa, kỷ nguyên của sự phát triển thông tin khoa học và công nghệ. Văn học trong bối cảnh mới cũng phải đáp ứng những yêu cầu mới. “Dạy học văn trong thế kỷ XXI” đang là vấn đề được giới nghiên cứu quan tâm. Sự chuyển hướng của dạy học văn ở trường Đại học Sư phạm nhằm đáp ứng nhu cầu thời đại mới đang được đặt ra trong nhiều công trình nghiên cứu. Đặc biệt ở môi trường đào tạo giáo viên, sự chú trọng vào người thầy – chủ thể dạy mới phải được đặt ra như một nhu cầu cấp bách. Mục tiêu của môn học Văn học Việt Nam đại cương ở khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư phạm đòi hỏi chủ thể dạy học phải có những hiểu biết tổng quan về văn học Việt Nam, kỹ năng phân tích - tổng hợp về các giai đoạn, các tác giả, tác phẩm văn học tiêu biểu; kỹ năng tiếp nhận tác phẩm văn học Việt Nam; kỹ năng dạy đọc, kể văn học ở trường tiểu học Việt Nam. Từ đó giúp sinh viên biết trân trọng di sản văn học quý báu của dân tộc; có thái độ quý trọng các giá trị nhân văn, biết yêu cái đẹp, có ý thức giữ gìn sự trong sáng và giàu đẹp của tiếng Việt; khát vọng và nhiệt hứng nhân rộng những thái độ tình cảm tốt đẹp đối với văn học Việt Nam ở lứa tuổi tiểu học. Như vậy, mục tiêu của chương trình đòi hỏi SV không chỉ rèn luyện phẩm chất của người thầy truyền thống mà còn phát triển các kỹ năng xã hội, giải quyết những vấn đề đặt ta từ đời sống thực tiễn.

2. 1. 2. Đặc điểm tri thức

Văn học Việt Nam đại cương trước hết là một môn có sự giao thoa rõ nét với lịch sử. Ví dụ: Giai đoạn văn học đầu thế kỷ XX có đặc điểm nổi bật về lịch sử là tồn tại và phát triển trong khuôn khổ của chế độ xã hội thực dân nửa phong kiến, có nền tảng văn học riêng, mỹ học riêng. Đây là “một phen thay đổi sơn hà” về cơ bản không thuận chiều nhưng rất mực lớn lao. Trong sự thay đổi chế độ xã hội này, các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra theo những phương hướng, nội dung, hình thức mới và cũng đã trải qua từ thất bại này đến thất bại khác, cuối cùng mới giành được độc lập dân tộc từ cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong hoàn cảnh “mưa Âu gió Mỹ”, điều kiện xã hội đã thay đổi, đời sống văn hóa, văn học so với trước đây cũng đã thay đổi lớn, bước vào xu hướng cách tân, hiện đại hóa. Như vậy, thông qua mỗi bài khái quát giai đoạn văn học, giảng viên không chỉ giới thiệu kiến thức đại cương mà còn hướng dẫn quan điểm nghiên cứu, học tập văn học sử. Ở đây, tri thức về văn chương được cung cấp một cách tổng hợp với các minh họa toàn diện, cụ thể, tiêu biểu cả về nội dung và nghệ thuật trong quan hệ kế thừa và phát triển, giúp SV không chỉ hiểu các sự kiện văn học ở từng giai đoạn mà trong cả một truyền thống lịch sử văn học của dân tộc. Có thể nói, học Văn học Việt Nam đại cương đồng thời giúp sinh viên và học viên ôn lại lịch sử dân tộc. Qua môn học này, người học cảm nhận được sự đóng góp quý báu của dân tộc ta vào kho tàng tri thức văn hóa, văn học nhân loại với bản sắc riêng độc đáo. Chẳng hạn, những hình tượng do văn học dân gian sáng tạo nên như bọc trăm trứng nở ra trăm người con là tổ tiên của các cộng đồng người trên đất nước ta, cậu bé làng Gióng lên ba bỗng vụt lên thành dũng sĩ, đánh tan giặc ngoại xâm rồi bay vút lên tận trời xanh không thèm danh lợi, chàng Sơn Tinh khổng lồ gánh núi chặn lũ sông Đà bảo vệ quê hương, làng xóm, hình ảnh con cò, dòng sông, chiếc thuyền, nhịp cầu trong ca dao… có giá trị thẩm mỹ to lớn, mang bản sắc dân tộc Việt Nam vẫn mãi mãi hấp dẫn lòng người hôm qua và hôm nay. Như vậy, Văn học Việt Nam đại cương là môn học hướng tới những điều chủ yếu, những điều có tính chất tổng quát. Trong đó tri thức văn học sử mang tính khái quát cao. Đó là tri thức khái quát về nền văn học Việt Nam trên bình diện cấu thành, bình diện tiến trình lịch sử, bình diện đặc điểm văn học. Môn Văn học Việt Nam đại cương giúp cho sinh viên có phương pháp phân tích, đánh giá văn chương từ giai đoạn đến tác gia, thể loại tác phẩm… theo quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử khi đặt hiện tượng văn chương đó vào hoàn cảnh đã sản sinh ra nó.

Văn học Việt Nam đại cương chú ý xác định các khái niệm cơ bản có tính phạm trù văn học sử nên mang tính trừu tượng. Ví dụ: Về thành phần cấu tạo phải gắn liền với các khái niệm: văn học dân tộc, văn học dân gian, văn học truyền miệng, văn học viết, văn học Hán, văn học Nôm, văn học Quốc ngữ… Về các thành tố văn hóa có liên quan đến văn học, ta bắt gặp các phạm trù: Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo, văn hóa Trung Hoa, văn hóa khu vực, văn hóa phương Tây… Mỗi bài giảng của môn học này, giảng viên luôn phải ở trong thế phân tích một nhận định, giới thuyết một khái niệm, một phạm trù, giải thích cơ sở khoa học của một quy luật phát triển của văn học.

Về đặc điểm cơ bản lại có các phạm trù khác như: văn hóa và bản lĩnh dân tộc, những kết tinh có ý nghĩa thẩm mỹ, con người Việt Nam qua văn học, hệ thống tín hiệu thẩm mỹ trong văn học, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo, nội dung dân chủ nhằm bồi đắp tâm hồn dân tộc và nhân văn cho học sinh. Những khái niệm này chính là chìa khóa để giải mã bản sắc văn học Việt Nam.

Văn học Việt nam đại cương là môn học chuyển tiếp từ Trung học phổ thông sang Văn học ở trường dạy nghề. Đối với chương trình phổ thông trung học, môn Ngữ văn được kéo dài trong ba năm học với qui trình từ bài tổng quan đến bài giảng văn thì chương trình đào tạo giáo viên tiểu học ở các trường Đại học Sư phạm, Văn học Việt Nam đại cương được coi là môn học cơ bản. Nhiệm vụ của môn học là cung cấp cho sinh viên và học viên kiến thức khái quát về văn học Việt Nam, văn học dân gian, văn học viết, giới thiệu và nhận xét cách tuyển chọn, sắp xếp văn học Việt Nam trong chương trình tiểu học; gợi ý hướng dẫn sinh viên đọc các tác phẩm văn học Việt Nam trong chương trình và sách giáo khoa Tiểu học.

Với đặc trưng và nhiệm vụ như trên, môn Văn học Việt Nam đại cương có vai trò rất quan trọng đối với mô hình dạy học tiếng Việt ở trường Tiểu học. Đây là bộ môn có khả năng mở rộng tầm nhìn, khung kiến thức của người giáo viên tiểu học.

Mỗi bài học trong môn Văn học Việt Nam đại cương có một mục tiêu cần đạt khác nhau. Chẳng hạn, với bài Khái quát về văn học Việt Nam, trong đó mục mở đầu là Việt Nam - từ đất nước, con người đến văn học, người học sẽ tiếp nhận được một cái nhìn toàn cục về dân tộc và đất nước của mình, từ đó khẳng định văn học in dấu ấn đậm nét tính cách Việt Nam. Kiến thức chủ đạo này sẽ soi sáng cho sinh viên và học viên trong nhìn nhận giá trị của văn học dân gian vốn là một kho tàng tri thức phong phú, phản ánh những vấn đề lịch sử đến những bài học triết lý đạo đức. Đó là nơi hội tụ những giá trị tinh thần của các dân tộc trên đất nước Việt Nam, tạo nên bản sắc riêng cho nền văn học dân tộc. Đây cũng là tri thức tích hợp của lịch sử, địa lý và văn hóa - một trong những yếu tố quan trọng để sinh viên và học viên có ngữ liệu để dạy tốt các môn Lịch sử, Địa lý ở trường Tiểu học. Hơn nữa kiến thức tổng quan này sẽ được nghiên cứu sâu ở Chương 3: Đặc điểm của văn học viết Việt Nam. Đặc biệt, khi người học tiếp cận với đặc điểm có tính chất nổi bật nhất của văn học Việt Nam: thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo và nội dung dân chủ. Trong chương trình dạy học Văn học Việt Nam ở trường đại học, các em sẽ có sự liên hệ, bổ sung phù hợp khi dạy các chủ điểm như: Thương người như thể thương thân qua các bài tập đọc, kể chuyện như Dế Mèn bênh vực kẻ yếu, Sự tích hồ Ba Bể, Mẹ ốm, Truyện cổ nước mình, Thư thăm bạn (Tiếng Việt 4 – tập1); hay qua các tiết Mở rộng vốn từ như: Nhân hậu – Đoàn kết cho học sinh tiểu học. Thấy được mạch ngầm này, người thầy bậc tiểu học sẽ có cách dẫn dắt học sinh hiểu bài tập đọc và có thể biến đổi, bổ sung cấu trúc sách giáo khoa Tiếng Việt cho phù hợp hơn với đối tượng dạy học nhằm phát huy sự hiểu biết về kiến thức văn học cho các em.

Ngoài ra có một mối dây liên hệ sâu sắc giữa kiến thức đại học và kiến thức tiểu học đi từ tầm khái quát đến cái nhìn cụ thể, từ mở rộng đến thu hẹp đạt đến mức giới hạn về kiến thức Tập đọc, Luyện từ và câu. Nếu chủ nghĩa nhân đạo là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của văn học viết Việt Nam thì điều đó cũng được thể hiện rõ nét trong chương trình tiểu học.

2.2. Dạy học Văn học Việt Nam đại cương cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học theo hướng tự học

2.2.1. Nội dung chương trình

Chương trình môn Văn học Việt Nam đại cương có các bài học sau:

- Kiểu bài tổng quan về văn học Việt Nam (01 bài)

- Kiểu bài khái quát về văn học dân gian (01 bài)

- Kiểu bài khái quát về thời kỳ văn học (04 bài)

- Kiểu bài khái quát về tác giả, tác phẩm (chọn một số tác giả tiêu biểu của văn học hiện đại). Tuy nhiên, do chương trình Tiếng Việt bậc tiểu học không học các ngữ liệu văn học trung đại nên phần này ở bậc Đại học chỉ dạy khái quát.

2.2.2. Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu học tập tích lũy về văn học Việt Nam

Trước hết, giảng viên phải tạo cơ hội cho người học tự đọc tác phẩm, tự đọc giáo trình, tóm tắt văn bản. Đọc tác phẩm và giáo trình là những hoạt động không thể thiếu trong tự học, tự nghiên cứu văn học Việt Nam đại cương. Để giúp sinh viên, học viên có vốn kiến thức về văn học Việt Nam làm tài liệu nghiên cứu học tập, tích lũy, chúng tôi đã giới thiệu các em tìm hiểu giáo trình, tài liệu tham khảo sau:

- Giáo trình Văn học của Dự án phát triển giáo viên Tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ấn hành năm 2007 là giáo trình bắt buộc.

- Giáo trình Văn học trung đại và hiện đại – sách Dự án đào tạo giáo viên Trung học cơ sở (xuất bản năm 2008) là tài liệu tham khảo,nhằm để mở rộng kiến thức.

- Ngoài ra, giảng viên cũng cần giới thiệu cho SV và HV một số tác phẩm được trích dẫn trong chương trình Tiếng Việt Tiểu học như: Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Truyện ngắn và tùy bút của Thạch Lam, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, ... các bài thơ của Trần Đăng Khoa, Phạm Tiến Duật, Võ Quảng, Định Hải…

Để sinh viên chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập và nghiên cứu cũng như hướng đến sự tương tác trong học tập, chúng tôi đã chia lớp học thành nhiều nhóm, phát phiếu học tập, yêu cầu các nhóm nghiên cứu các nội dung như: Tóm tắt bài văn học sử nhằm nắm bắt hệ thống luận điểm của văn học sử và xác định các tư liệu minh họa cho những luận điểm đó. Thông qua cách tự học này, sinh viên và học viên sẽ phải đọc tác phẩm văn học, phải biết chọn những luận điểm cần phải chứng minh, phân tích để hiểu sâu sắc hơn vấn đề.

Nhiệm vụ của giảng viên không phải là diễn giảng cái hay, cái đẹp của văn bản mà cần tổ chức các hoạt động và hỗ trợ để sinh viên, học viên tự phát hiện ra cái hay, cái đẹp đó. Giảng viên cần giúp sinh viên, học viên thấy được người đọc là một chủ thể tiếp nhận năng động, sáng tạo và quá trình đọc, hiểu tác phẩm văn học mang dấu ấn riêng của từng độc giả. Giảng viên cũng cần để người học tự ghi chép những cảm xúc và suy nghĩ của mình sau khi đọc tác phẩm và phải tôn trọng những ý kiến, quan điểm của các em.

2.2.3. Soạn hệ thống bài tập cho sinh viên và học viên

Nhằm hình thành phương pháp tự học và khắc sâu kiến thức khái quát về lịch sử văn học Việt Nam và rèn luyện năng lực người nghiên cứu của người giáo viên trong tương lai, chúng tôi hướng dẫn sinh viên, học viên làm một số bài tập sau:

- Bằng sự hiểu biết về thơ,văn, anh/chị hãy giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè thế giới.

- Tác dụng của văn học dân gian đối với học sinh tiểu học.

- Nêu nhận xét về thị hiếu của học sinh tiểu học đối với ca dao (đa số các em thích loại ca dao nào? Vì sao?).

- Việc giảng dạy truyện cổ tích cho học sinh tiểu học có những thuận lợi và khó khăn như thế nào? Tìm hiểu kinh nghiệm giảng dạy truyện cổ tích của một giáo viên tiểu học.

- So sánh truyện cổ tích dân gian và truyện cổ tích viết lại.

- Anh/chị hãy phân tích các bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ ” của Trần Quốc Tuấn và “ Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi để làm rõ sự phát triển của chủ nghĩa yêu nước trong văn học Việt Nam trong giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ XV.

- Phân tích “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi và “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh để chỉ ra sự khác nhau giữa văn học trung đại và văn học hiện đại.

- Từ việc phân tích bài thơ “Tương tư chiều” của Xuân Diệu và “Nhớ ” của Nguyễn Đình Thi, anh/chị hãy chỉ rõ sự khác nhau của văn học lãng mạn và văn học cách mạng.

2.2.4. Hình thành kỹ năng thuyết trình về các tác gia, tác phẩm

Nhằm giúp người học có kỹ năng thuyết trình, rèn kỹ năng giảng dạy sau này, tùy vào từng nội dung bài học, chúng tôi yêu cầu các em phải thuyết trình. Nội dung thuyết trình là các giai đoạn và các tác giả tiêu biểu của văn học Việt Nam liên quan tới chương trình tiểu học. Ví dụ: Văn học dân gian và các tác phẩm văn học dân gian trong chương trình tiểu học; thể loại câu đố và câu đố trong chương trình Tiếng Việt tiểu học; Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và thơ văn của Người dành cho thiếu nhi; Thạch Lam và tác phẩm của ông trong chương trình tiểu học v. v… Thời gian dành để thuyết trình có thể từ 3 đến 5 phút, nhưng đây là những phút giây vàng ngọc giúp các em tự tin khi đi thực tập sư phạm cũng là tiền đề để các em giảng dạy tốt sau này.

2.2.5. Hình thành kỹ năng bình giảng về một số tác phẩm Văn học Việt Nam trong sách giáo khoa tiểu học

Khác với nội dung đọc - hiểu có trong chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, nội dung chương trình Văn học Việt Nam đại cương ở khoa Tiểu học, trường Đại học không nặng về bình giảng, nhưng chúng nhằm rèn luyện kỹ năng nói trước tập thể và năng lực cảm thụ, đánh giá tác phẩm văn học, chúng tôi yêu cầu sinh viên bình giảng một số văn bản như: Bài ca dao Hoa sen (Tiếng Việt 2), Quà đồng nội (Tiếng Việt 3), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Tiếng Việt 4), Bầm ơi (Tiếng Việt 5), Quang cảnh làng mạc ngày mùa (Tiếng Việt 5)… Qua những tiết thực hành này, sinh viên rèn luyện khả năng diễn đạt, có khả năng cảm thụ văn học tốt và tự chiếm lĩnh tác phẩm văn học. Đây là hành trang quí báu cho người học đi vào thực tiễn giảng dạy sau này.

2.2.6. Về kiểm tra đánh giá

Để tạo hứng thú và động lực học tập cho người học, giảng viên cần chú ý đánh giá điểm quá trình và điểm tổng kết một cách khách quan, chính xác.

Điểm quá trình và điểm tổng kết cũng nên sử dụng nhiều kênh khác nhau. Ví dụ: Thông qua việc thuyết trình hay bình giảng, tóm tắt và phân tích tác phẩm cho điểm quá trình để đánh giá năng lực tự học của sinh viên và học viên.

Để kiểm tra việc tự học, tự nghiên cứu của người học, giảng viên có thể chọn bất cứ một văn bản văn học nào để ra đề, không nhất thiết là văn bản sinh viên, học viên đã được học.

Đề thi cũng nên chú trọng năng lực đọc văn và năng lực phân tích các luận điểm, nhận định văn học nhằm phục vụ cho môn học đại cương có khả năng vận dụng vào dạy học ở tiểu học.

3. Kết luận

Việc hiểu biết tri thức môn Văn học Việt Nam đại cương và việc đa dạng hóa các hình thức dạy học môn học này giúp người học có được cái nhìn đa chiều và kiến thức sâu, rộng về nền văn học dân tộc. Bên cạnh đó, môn học sẽ giúp các em có được khả năng cảm thụ và tư duy văn học, có ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc Việt Nam. Và điều quan trọng nhất là giúp các em có ý thức tự học, tự nghiên cứu cũng như rèn kỹ năng nghề cho sinh viên và học viên khoa Giáo dục Tiểu học, nhằm giúp họ có kiến thức vững vàng, phương pháp sư phạm mẫu mực sau khi ra trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ giáo dục và Đào tạo (2001), Văn học, Giáo trình đào tạo giáo viên tiểu học hệ CĐSP và SP 12+2, NXB Giáo dục.
  2. Phan Trọng Luận (2004), Phương pháp dạy học văn ( tập 1 và 2), Nxb ĐHSP.
  3. Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà, La Khắc Hòa, Thành Thế Thái Bình (2004), Lý Luận văn học, Nxb Giáo dục.
  4. Bùi Mạnh Hùng (2014), “Phác thảo chương trình ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực”, Tạp chí khoa học giáo dục, Trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
  5. Cao Đức Tiến (chủ biên) (2007), Văn học, Dự án Phát triển giáo viên tiểu học, Nxb Giáo dục
  6. Lê Trí Viễn (1984), Đặc điểm có tính qui luật của lịch sử văn học Việt Nam, Nxb ĐHSP TP.HCM.

 


[*] TS, Trường ĐH Sư phạm Tp. HCM