Thiết kế một số nội dung, phương tiện và phương pháp dạy học giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học ở thành phố hồ chí minh theo định hướng phát triển năng lực In
Thứ tư, 12 Tháng 5 2021 11:49

Giáo dục giới tính

Nguyễn Minh Giang, Phạm Tường Yến Vũ và Nguyễn Thị Mai Hương

Trên thế giới, GDGT là vấn đề được hầu hết các quốc gia quan tâm. Ở Việt Nam, đây cũng là một vấn đề đang được xã hội và ngành giáo dục đặc biệt quan tâm, do số trẻ em bị bắt cóc và xâm hại ngày càng tăng cao. Kiến thức về GDGT tích hợp vào chương trình học tập của học sinh, vừa đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh, vừa đáp ứng được nội dung và tiêu chuẩn của giáo dục. GDGT được tích hợp trong phân môn Khoa học lớp 5 (2006) thuộc chủ đề “con người và sức khỏe” với nội dung mang nặng tính lí thuyết hàn lâm. Sự tăng tốc rất nhanh về sinh lí và tâm lí của HS tiểu học tại các thành phố lớn kéo theo giai đoạn tiền dậy thì bắt đầu sớm hơn. Do vậy, việc trang bị kiến thức về giới tính là vô cùng cần thiết. Nhiều phụ huynh và thầy cô luôn né tránh, hoặc có thể quát mắng học sinh khi nhận được các câu hỏi về vấn đề giới tính. Cách ứng xử như vậy là sai lầm nghiêm trọng dẫn đến việc các thắc mắc của học sinh không được giải đáp thỏa đáng sẽ khơi gợi sự tò mò trong suy nghĩ. Nghiêm trọng hơn, chính sự tò mò sẽ thôi thúc học sinh tự tìm hiểu về giới tính và tình dục bằng các thông tin đang tràn ngập trên internet không được kiểm soát. HS không được dạy học và luyện tập các kĩ năng bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra. Trong thực tế, hầu hết phụ huynh đều cho rằng, nhà trường là nơi có thể thực hiện GDGT một cách khoa học và hiệu quả nhất.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới theo định hướng phát triển năng lực thì giáo dục giới tính (GDGT) sẽ được thực hiện theo hình thức tích hợp. Trong thực tế, GDGT chỉ thành công khi được xem như là một chủ đề thông thường và thực sự cần thiết trong cuộc sống. Đối với trường tiểu học, GDGT có thể lồng ghép vào các các môn học, hoạt động ngoại khóa, tiết sinh hoạt chủ nhiệm, tiết tự học hoặc các hoạt động trải nghiệm. GDGT có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Tích hợp GDGT cho HS trong trường học sẽ giúp học sinh có kiến thức về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và giới tính vị thành niên, cũng như tránh những hậu quả đáng tiếc do thiếu hiểu. Nghiên cứu này đã xây dựng được một số nội dung giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học tại Thành phố Hồ chí Minh dựa trên thuyết nhu cầu của Maslow, đặc điểm phát triển tâm sinh lí của HS, thực trạng GDGT ở Thành phố Hồ Chí Minh và chương trình giáo dục tiểu học. Phương pháp dạy học giáo dục giới tính được thực hiện thông qua quan sát, trò chơi học tập, thực hành và đóng vai với sự hỗ trợ của phương tiện dạy học như dữ liệu điện tử và tranh ảnh. Mỗi nội dung GDGT được thiết kế 03 hoạt động dạy học bao gồm hoạt động cung cấp kiến thức lí thuyết, hoạt động thực hành và hoạt động giải quyết tình huống thực tế. Thông qua các hoạt động học tập sẽ hình thành năng lực chung, đặc biệt là năng lực tự chủ cho học sinh tiểu học theo định hướng phát triển năng lực.

Nguồn hình: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/giao-duc-gioi-tinh-cho-tre-nho/