Xây dựng hệ thống kiến thức sinh học cho sinh viên ngành giáo dục tiểu học theo định hướng phát triển năng lực In
Thứ tư, 12 Tháng 5 2021 11:54

Nguyễn Minh Giang

Hình thành và phát triển năng lực cho học sinh là quan điểm chủ đạo và yêu cầu cần đạt được trong tất cả các môn học của chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, hệ thống các kiến thức sinh học được cấu thành một hệ thống chặt chẽ ở các cấp lớp, sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính và một số kiến thức đồng tâm. Tuy nội dung không quá chuyên sâu nhưng trải rộng trong các mảng kiến thức chính là thực vật và động vật, nấm, vi khuẩn, con người và sức khoẻ, sinh vật và môi trường. Các kiến thức này đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục học sinh tình yêu thiên nhiên, tôn trọng các quy luật của tự nhiên để từ đó biết ứng xử với tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững xã hội và môi trường. Thông qua các hoạt động học tập của lĩnh vực này, học sinh dần hình thành và phát triển năng lực tìm hiểu và khám phá thế giới tự nhiên qua quan sát và thực nghiệm, năng lực vận dụng kiến thức khoa học để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Đặc biệt hệ thống kiến thức về sinh lý người giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống một cách khoa học.

Xuất phát từ nội dung và mục tiêu của môn Tự nhiên và Xã hội 1, 2, 3 và Khoa học 4, 5 ở tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông mới, việc lựa chọn các nội dung thuộc lĩnh vực sinh học cho sinh viên ngành Giáo dục tiểu học không những phải đáp ứng các yêu cầu của chương trình, mà còn cung cấp những phương pháp dạy học đặc trưng, giúp sinh viên có thể triển khai các nội dung này ở giai đoạn tiểu học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh. Trong nghiên cứu này đã so sánh và tổng kết các nội dung kiến thức Sinh học giữa chương trình cũ và mới ở tiểu học. Trên cơ sở đó đã biên soạn thành giáo trình phù hợp để phục vụ cho giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học. Hệ thống kiến thức bao gồm sinh lý học trẻ em, sinh học động vật, sinh học thực vật, vi khuẩn, nấm và giáo dục môi trường. Phương tiện dạy học khá đa dạng gồm mẫu vật thật, mô hình, tranh ảnh và dữ liệu điện tử. Phương pháp dạy học chủ đạo gồm quan sát, thực hành, thí nghiệm và điều tra, tập trung vào phát triển năng lực thể chất, năng lực tìm hiểu tự nhiên, năng lực thẩm mỹ, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo thông qua các kiến thức sinh học để dạy học ở tiểu học.