PÉTXTALÔDI (1746-1827) In
Chủ nhật, 17 Tháng 4 2016 12:51

Ảnh từ Internet

Giôhan Henrich Pétxtalôdi (Johann Heinrich Pestalozz) sinh ngày 21 tháng 01 năm 1746 tại Duyrich, Thụy Sĩ. Mồ côi cha từ 5 tuổi, Pétalôdi lớn lên trong sự chăm sóc yêu thương của mẹ và bà quản gia thân thiết. Đó chính là cái nôi ban đầu tạo nên một thầy giáo tương lai tràn đầy niềm thương yêu đối với trẻ em, đối với con người.

Thời thơ ấu, Pétxtalôdi là một cậu bé ngây thơ, hay mơ mộng, nên bạn bè thường cợt đùa, chế giễu. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông theo học trường cao đẳng chuyên khoa ngữ văn và triết học. Ở đây, chịu ảnh hưởng sâu sắc những tư tưởng dân chủ, tiến bộ của các nhà khai sáng Pháp, ông đã bắt đầu đồng cảm với các học sinh nghèo phải bỏ học.

Cuối thế kỉ XVIII, nông dân Thụy Sĩ bị bần cùng hóa dưới ách bóc lột nặng nề của giai cấp tư sản. Cùng với bè bạn, Pétxtalôdi muốn hoạt động để giúp đỡ nông dân.

Nhưng tác phẩm “Khế ước xã hội” (contrat social) và Émile của Rútxô (J.J.Roussoau) ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của ông và Pétxtalôdi đã gia nhập “Hội Thụy Sĩ” của nhóm thanh niên trẻ yêu nước, viết bài cho báo “Kỷ niệm” của nhóm. Vì thế, khi tốt nghiệp ông không được chính quyền bổ dụng.

Ông đi vào cuộc sống người nông dân, nghiên cứu loại cây thiên thảo (garance), phổ biến cho họ cách trồng và sử dụng. Năm 1768, ông tự tay khai hoang vay tiền thành lập một nông trường kiểu mới để nông dân đến học tập về trồng trọt và tiểu công nghiệp nhưng không thành công.

Năm 1774, Pétxtalôdi quyên góp lập ra một cô nhi viện nuôi dạy trẻ mồ côi với ý định cho trẻ vừa được ăn học vừa lao động để tự lực cánh sinh. Nhưng sức trẻ mồ côi có hạn, khả năng vật chất của ông ít ỏi nên cuối cùng lại thất bại.

Năm 1780, ông viết tác phẩm “Buổi chiều của người ẩn sĩ” nói lên những chủ trương giáo dục và những nguyên tắc giảng dạy của mình. Năm 1781, ông sáng tác tiểu thuyết “Lêôna và Giéctơruýt” nói lên nỗi bần cùng của nông dân và ý đồ cải thiện cuộc sống vật chất và tinh thần của họ.

Mặc dù chưa hiểu rõ bản chất của giai cấp địa chủ, cách giải quyết vấn đề còn ngây thơ, song tác phẩm có ảnh hưởng lớn đến trí thức châu Âu và bản thân ông được nhà nước cách mạng Pháp công nhận là người công dân của nước cộng hòa Pháp.

Năm 1798, quân đội Pháp tràn vào giúp giai cấp tư sản Thụy Sĩ tiêu diệt chế độ phong kiến, lập nên nước cộng hòa Henvêchi (Helvétie). Chiến tranh đã tàn phá nặng nể Thụy Sĩ và để lại nhiều trẻ mồ côi.

Pétxtalôdi được chính quyền giao cho việc tổ chức một trại trẻ mồ côi ở thành phố Xtăng (Stang). Hơn 80 em đói rách, gầy guộc, ghẻ lở được ông thâu tập lại trong một nhà thờ cũ. Ông đã trông nom, dạy dỗ các em với tất cả tình thương yêu của một người cha, cảm hóa chúng bằng tấm lòng chân thật của mình.

“Phải cho trẻ em của tôi nhận thấy rằng từ sáng sớm đến tối, trong mỗi khoảnh khắc của một ngày…lúc nào lòng tôi cũng là vì các em, phải để các em thấy rằng hạnh phúc của các em là hạnh phúc của tôi, thích thú của các em là thích thú của tôi”.

Pétxtalôdi còn cảm hóa chúng bằng sự gương mẫu, tận tụy, đồng cam cộng khổ với trẻ. Chính ở đây, ơng đã tổ chức trại trẻ trên các nguyên tắc sau:

- Khơi dậy lòng bác ái ở trẻ.

- Gia đình hóa việc nuôi dạy trẻ

- Gương mẫu trong việc giáo dục đạo đức

- Coi trọng giáo dục lao động

Nhưng rồi chiến tranh lan tới, trại trẻ lại phải đóng cửa. Từ năm 1799 đến 1804, ông dạy ở một trường tiểu học, rồi phụ trách Học viên Béctút (Berthoud). Sau đó, ông được mời đến dạy một trường trung học ở Yvécdôn (Yverdon). Nhờ tài năng và kết quả, danh tiếng ông vang dội khắp châu Âu. Từ nhiều nước các học giả, các nghệ sĩ, tướng tá, vua chua…đến thăm ông. Nga hoàng Alechxandơrơ tặng thưởng ông 5.000 rúp và Huân chương. Hoàng đế Áo cũng gởi tặng phẩm biếu ông. Các thế hệ học trò tôn vinh ông là “Cha Pétxtalôdi”, còn mọi người tặng ông danh hiệu “Thầy của các thầy”.

Năm 1818, tuy già yếu, ông đã dùng khoản tiền nhuận bút khá lớn để thực hiện ước mơ suốt đời là lập ra một ttường học cho con em nhà nghèo. Tiếc thay, chỉ được 7 năm, gặp bao khó khăn, rắc rồi, ông lại phải đóng cửa trường, quay trở về Trại mới sau trên 50 năm xa cách.

Ngày 17 tháng 2 năm 1827 ông qua đời, thọ 81 tuổi. Pétxtalôdi đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho những người nghèo khổ, cho thế hệ trẻ, nhất là các em bị thiệt thòi, côi cút.

Trên nấm mồ ông yên nghỉ, nhân dân miền Ácgôvi đã dự một tấm bia kỷ niệm mang dòng chữ “Tất cả cho người khác, không gì cho mình”.

Nguyễn Phú Tuấn