Kỹ năng đọc sách In
Thứ tư, 13 Tháng 4 2016 03:50

Trong quá trình tự học của SV, đọc sách được coi là khâu quan trọng đầu tiên giúp SV tiếp thu tri thức và phát triển phương pháp tự học hiệu quả. Đọc sách cũng cần xác định mục tiêu cho chính mình như đọc sách gì?liên quan đến chuyên ngành của mình như thế nào? mục đích của việc đọc sách này là gì? chúng có giúp giải quyết vấn đề mình đang tìm kiếm hay không? Tự đặt câu hỏi và xác định mục tiêu sẽ giúp SV hạn chế được vấn đề lan man, tăng sự tập trung cho học tập.

 

KN đọc sách bao gồm nhiều thao tác:

+ Thao tác tra cứu tài liệu: để tìm được tài liệu như mong muốn, SV phải biết cách tra cứu tài liệu ở thư viện, nhà sách lẫn các kho tài liệu trực tuyến. Có nhiều cách tra cứu như: tra cứu theo từ khoá, theo tên tác giả, theo tên sách...SV thành thạo thao tác này sẽ tiết kiệm được lượng thời gian đáng kể khi đọc sách và đọc được những tài liệu sát với mục tiêu đọc của mình nhất.

+ Thao tác chọn sách: Nguồn tài liệu in và tài liệu kỹ thuật số hiện nay rất dồi dào, chứa đựng những thông tin phong phú, với nhiều quan điểm khác nhau thậm chí trái chiều. Việc lựa chọn được nguồn tài liệu khoa học, đánh tin cậy và chính xác nhất là điều SV nên lưu ý. Vì thế, trước khi chính thức đọc một cuốn sách, một tập tài liệu, SV cần hiểu biết rõ các nhà xuất bản uy tín, các tác giả là chuyên gia đầu ngành, có những nghiên cứu giá trị, thời điểm xuất bản, số lần tái bản để đảm bảo thông tin có sự cập nhật, ...

+ Thao tác đọc sách:

Có nhiều cách đọc sách khác nhau:

- Đọc lướt: Trước khi bắt tay vào việc học, SV cần đọc lướt qua hướng dẫn, tài liệu GV cung cấp cho mình, tạp chí chuyên ngành… SV có thể lật nhanh từng trang, hoặc mở ngẫu nhiên một số trang nào đó để định hình cho mình cách bố cục, trình bày, mục lục, hình minh họa vị trí các phần tóm tắt, kết luận…

- Đọc có suy nghĩ: Khi đọc sách cần phải tập trung tư tưởng, chỗ chưa thông, chưa nắm vững cần phải ngưng để đọc chậm, đọc kĩ, ôn lại. Đọc sách để hiểu những điều tác giả nói và cả những điều tác giả không nói, mà người đọc tự suy nghĩ, mở rộng đến những điều liên quan mà sách không đề cập đến.

- Đọc có hệ thống: Khi đọc bất kì cuốn sách nào, SV nên đọc lướt nhanh toàn bộ phần tổng quát của sách để nắm sơ bộ nội dung cuốn sách. Sau đó, tuỳ vào mục đích đọc mà đọc kĩ  một lần hay nhiều lần. Cuối cùng là cần rèn luyện cách đọc nhanh để tập trung được sự chú ý, sự suy nghĩ diễn ra liên tục và dễ dàng xác lập được mối quan hệ giữa các đoạn với nhau khiến ta dễ nắm được nội dung tài liệu.

- Đọc có chọn lọc: Đọc có chọn lọc là đọc để tìm những điểm cốt lõi, chọn ý tưởng hay nhất, đúng nhất và có ích cho việc học sẽ rèn được tư duy phê phán, làm tiền đề cho năng lực giải quyết vấn đề sau này.

- Đọc có ghi nhớ:  Đọc sách là học tập tích cực nên cần kèm theo việc ghi chép để nhớ lâu. Đọc sách hoặc tài liệu giáo khoa cần ghi các dàn ý và diễn tiến nội dung. Các ý chính cần ghi chép cẩn thận, gạch chân hoặc tô màu vì đó là ý cơ bản mà từ đó có thể suy luận ra các ý khác liên quan. Những phần chưa hiểu hoặc chưa nắm vững cũng cần đánh dấu để tiếp tục suy nghĩ, tìm người giải đáp.

Mỗi cách đọc sách trên đây có thể đáp ứng cho những mục đích đọc và loại sách khác nhau.Với các loại sách khoa học và kĩ thuật; đọc với mục đích học tập nghiên cứu phải đọc một cách chủ động, nghiền ngẫm sâu sắc, đi sâu vào nội dung từng vấn đề, trong sách. Đọc sách khoa học nhằm mục đích học tập, nghiên cứu vì vậy, để thẩm thấu sách, chúng ta không chỉ đọc một lần, mà có khi phải đọc nhiều lần mới đạt được mục đích đã đề ra, V.I. Lênin đã khuyên “Sau lần đọc đầu tiên phải ghi lại những chỗ chưa hiểu hoặc chưa rõ ràng để trở lại đọc lần thứ hai, lần thứ ba, thứ tư...”.

Để đọc sách hiệu quả, SV phải tổ chức việc đọc sách của mình với các điều kiện thuận lợi nhất như: bàn ghế ngồi đọc, vở ghi chép, không gian yên tĩnh, mát mẻ, cách ly với các yếu tố gây nhiễu như truyền hình, điện thoại, máy tính cá nhân (nếu không cần thiết)...

Nguyễn Thị Thu Huyền – Nguyễn Văn Hiến – Phương Diễm Hương