Kỹ năng tự kiểm tra, đánh giá hoạt động tự học In
Thứ tư, 13 Tháng 4 2016 04:05

Các nhà giáo dục đã khẳng định, kiểm tra, đánh giá trong học tập là quá trình thu thập và xử lý thông tin về tình hình lĩnh hội kiến thức, bồi dưỡng tư tưởng đạo dức, hình thành KN, kỹ xảo của người học so với mục tiêu, yêu cầu học tập. Sự hiểu biết về các nguyên nhân và ảnh hưởng của tình hình học tập của SV giúp GV có những biện pháp sư phạm thích hợp nhằm nâng cao chất lượng dạy học và giúp SV ngày càng tiến bộ hơn.

 

 


Vì vậy, có thể hiểu rằng tự kiểm tra đánh giá trong quá trình học tập, đặc biệt trong quá trình tự học là biện pháp giúp SV hình thành KN, kỹ xảo từ đó nhận biết rõ ưu khuyết điểm của bản thân nhất là phương pháp học tập để tìm cách khắc phục. Về mặt nhận thức, tự kiểm tra đánh giá tạo nên mối liên hệ ngược trong, giúp SV có cơ sở thực tế với độ tin cậy cao để tự đánh giá kết quả học tập của mình cũng như khắc phục các sai lầm, thiếu sót. Nó góp phần củng cố vững chắc các kiến thức đã lĩnh hội của SV. Đặc biệt, khi tự kiểm tra, đánh giá SV sẽ tự khẳng định được mình, tự mình đề xuất được biện pháp thỏa đáng để điều khiển và thúc đẩy hoạt động học tập của bản thân vận động đi lên.

Tự kiểm tra đánh giá góp phần hình thành các KN và thói quen trong học tập như nhận thức về vấn đề đặt ra, nhạy bén, biết vận dụng kiến thức, KN vào các hoạt động thực tiễn, thực tập… Việc tự kiểm tra, đánh giá nhìn nhận kết quả học tập qua quá trình tự học có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức: dùng các thang đo mức độ đáp ứng yêu cầu của GV, bản thân tự đánh giá, sự đánh giá nhận xét của tập thể thông qua thảo luận, tự đối chiếu so sánh với mục tiêu đặt ra ban đầu… Tất cả các hình thức này đều mang một ý nghĩa tích cực, cần được quan tâm thực hiện thường xuyên. Thông qua nó người học tự đối thoại để thẩm định mình, hiểu được cái gì làm được, điều gì chưa thỏa mãn nhu cầu học tập nghiên cứu để từ đó có hướng khắc phục hay phát huy, góp phần rèn luyện các thao tác dư duy nhanh, sâu, độc lập, sáng tạo.

Để có KN tự kiểm tra, đánh giá SV cần:

-         Xác định được mục tiêu, nội dung bài học

-         Xác định các nội dung liên quan trong các tài liệu tham khảo

-         Tái hiện những kiến thức liên quan đã được nghe giảng

-         Xây dựng dàn ý bài học (hoặc bài thuyết trình)

-         Làm bài tập theo yêu cầu

-         Dự kiến các câu hỏi và trả lời

-         Trình bày trước nhóm (lớp), trao đổi thảo luận với bạn bè

-         Kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa chuẩn

Nguyễn Thị Thu Huyền – Nguyễn Văn Hiến – Phương Diễm Hương