Hội thảo khoa học Quốc gia “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc – 40 năm nhìn lại" đã nhận được 60 báo cáo tham luận, trong đó khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc...

 

Ngày 15/2, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc – 40 năm nhìn lại". Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 40 năm ngày quân và dân ta chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2/1979 - 17/2/2019).

 

Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu là các nhà khoa học, các giảng viên đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; viện nghiên cứu và trường đại học uy tín trong cả nước. Đặc biệt, có sự tham dự của các nhân chứng, cựu quân nhân đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

 

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định: Hội thảo là dịp nhìn lại sự kiện lịch sử diễn ra cách đây 40 năm một cách khách quan, trung thực. Qua đó, tăng cường tình đoàn kết, đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới; đồng thời, phê phán những biểu hiện sai trái, thù địch, xuyên tạc, vu cáo, lợi dụng sự kiện biên giới phía Bắc để kích động, chống phá Đảng và Nhà nước, chia rẽ quan hệ hữu nghị Việt Nam và Trung Quốc.

 

Hội thảo góp phần khẳng định chủ trương, đường lối, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc với tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”; những nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

 

Hội thảo khoa học Quốc gia "Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - 40 năm nhìn lại (1979-2019)".

Ảnh: VA

 

Hội thảo đã nhận được 60 báo cáo tham luận, trong đó khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc; tri ân và tôn vinh đồng bào, chiến sỹ từng chiến đấu, hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc; tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta, đặc biệt là của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân, xương máu và tính mạng để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc;

 

Bên cạnh đó, cung cấp một số cơ sở lý luận, thực tiễn và bài học lịch sử rút ra từ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, góp phần giáo dục tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm xây dựng đất nước giàu mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; đánh giá, làm rõ sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc các tỉnh biên giới phía Bắc trong việc khắc phục khó khăn và hậu quả chiến tranh.

 

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn khẳng định, những kinh nghiệm quý về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc được rút ra từ Hội thảo sẽ được bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo, phù hợp với quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc trong thời kỳ mới.

 

Khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc


Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam ôn lại lịch sử: Ngày 30-4-1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi. Đất nước thu về một mối. Nhưng ngay sau tháng 4-1975 không lâu, nhân dân Việt Nam đã phải đối đầu với cuộc tấn công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam do quân đội Campuchia dân chủ tiến hành với sự hỗ trợ nhiều mặt của các thế lực bên ngoài. Nghiêm trọng hơn, cách đây 40 năm, rạng sáng ngày 17-2-1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc với 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập, 6 trung đoàn với 550 xe tăng, 4 sư đoàn và trung đoàn pháo binh, phòng không với 2.559 khẩu pháo, trong đó có nhiều dàn phóng hỏa tiễn bất ngờ vượt qua biên giới kéo dài 1.400km vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái), Lai Châu…

 

Quân dân Việt Nam, trước hết là dân quân, du kích và bộ đội địa phương ở 6 tỉnh biên giới và tiếp đó là quân chủ lực được tăng cường đã kiên cường chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.

 

PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định: Cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc chống Việt Nam – một quốc gia độc lập, có chủ quyền đã bị nhân dân thế giới phản đối. Chính phủ nhiều nước như Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia, nhiều tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể quần chúng ở Liên Xô, Hungari, Tiệp Khắc, Ấn Độ, Nhật Bản, Thụy Điển, Pháp, Mỹ, Phần Lan, Anh… tổ chức biểu tình, ra Tuyên bố, tổ chức hội thảo, lấy chữ ký phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc với khẩu hiệu “Không được đụng đến Việt Nam”, đòi “nhà cầm quyền Trung Quốc rút ngay quân đội ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”.

 

PGS.TS Trần Đức Cường cho rằng, 40 năm đã trôi qua, thế giới đã có nhiều biến đổi. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được bình thường hóa và đang trong quá trình phát triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, dù còn có những trở ngại cần vượt qua…

 

Việc tổ chức Hội thảo không phải để khoét sâu mối hận thù mà để nhắc lại một sự thật lịch sử, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, bắt đầu từ ngày 17/2/1979 và kéo dài đến tận tháng 9/1989. Ở Vị Xuyên đến tận năm 1989, quân Trung Quốc mới lần lượt rút khỏi các vị trí chiếm đóng còn lại trên lãnh thổ Việt Nam.

 

Cuộc nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta, đặc biệt là của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân và xương máu để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

 

Hội thảo cũng nhằm rút ra những bài học lịch sử cho cả thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, luôn phải tăng cường đoàn kết, xây dựng đất nước giàu mạnh đủ sức đối phó với mọi tình huống trong một thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bất trắc ngày nay; đồng thời, góp phần khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc, gác lại quá khứ đau thương, xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Nêu rõ nỗ lực của Đảng và Nhà nước cùng nguyện vọng của nhân dân trong việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông, trong khu vực và trên thế giới; biểu dương và cổ vũ những việc làm góp phần gìn giữ và tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, đồng thời phê phán những biểu hiện sai trái, thù địch, xuyên tạc, vu cáo, lợi dụng sự kiện biên giới phía Bắc để kích động, chống phá Đảng và Nhà nước, chia rẽ quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc./.

 

Nguồn: http://www.dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/su-that-lich-su-tinh-chinh-nghia-cua-cuoc-chien-dau-bao-ve-bien-gioi-phia-bac-513471.html