Yêu cầu chặt chẽ với giáo viên điều chuyển dạy mầm non In
Thứ bảy, 25 Tháng 3 2017 10:26
GD&TĐ - Vấn đề điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư dạy mầm non được ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non – chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ quý I năm 2017 của Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 24/7.

3 yêu cầu với giáo viên được điều chuyển dạy mầm non

Ông Minh cho biết, không phải tất cả giáo viên dôi dư đều được điều chuyển dạy học mầm non. Giáo viên mầm non có những đặc thù, đòi hỏi phẩm chất, năng lực chuyên biệt, do đó, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu địa phương, trước khi thực hiện điều chuyển giáo viên dôi dư sang dạy học mầm non phải đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu về trình độ đào tạo theo đúng quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, với tính chất công việc đặc thù, phải luôn thường trực bên trẻ, nếu xao nhãng các cháu dễ bị tai nạn, thương tích, nên đòi hỏi tính tự nguyện của người giáo viên – đây cũng chính là điều kiện thứ 2 với những đối tượng này.

Ngoài ra còn có yêu cầu tuyển sinh đầu vào, người được tuyển phải có thiên hướng năng lực nhất định mới có thể đào tạo thành giáo viên mầm non.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Minh, điều kiện ở địa phương rất đa dạng. Nên điều chuyển thế nào để đảm bảo công bằng, thỏa đáng là từ địa phương. Bộ GD&ĐT chỉ đặt ra yêu cầu, tiêu chuẩn; địa phương có trách nhiệm thực hiện tiêu chuẩn, yêu cầu đó. Bộ GD&ĐT kiểm tra, giám sát, yêu cầu địa phương thực hiện đúng.

Ông Nguyễn Bá Minh phát biểu tại buổi họp báo chiều 24/3

Chính thức ban hành chương trình đào tạo văn bằng 2 cho giáo viên mầm non

Cung cấp thông tin cho báo chí tại buổi họp báo, Bộ GD&ĐT cho biết, trước thực trạng một số địa phương xuất hiện tình trạng điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư chỉ được bồi dưỡng trong thời gian ngắn xuống dạy bậc học mầm non, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các địa phương dừng ngay việc điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy bậc học mầm non khi chưa qua đào tạo. Cụ thể như trường hợp của tỉnh Thanh Hóa.

Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương trước hết là do các địa phương này tuyển dụng giáo viên chưa hợp lý. Để tăng cường đội ngũ giáo viên mầm non cho các địa phương, có nhiều giải pháp, trong đó có thể đào tạo văn bằng 2 sư phạm mầm non cho những người đã tốt nghiệp chương trình đào tạo sư phạm bậc phổ thông.

Bộ GD&ĐT đã giao cho Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chủ trì, phối hợp với các trường sư phạm khác nghiên cứu, khảo sát kỹ để xây dựng luận cứ khoa học và thực tiễn của chương trình đào tạo văn bằng 2 sư phạm mầm non.

Sau một thời gian khẩn trương triển khai, mới đây, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã chính thức ban hành chương trình đào tạo văn bằng 2 cho giáo viên mầm non để thống nhất đào tạo trong toàn quốc.

Bộ GD&ĐT xác định, chất lượng giáo viên là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Giáo dục mầm non là bậc học đặc thù, đòi hỏi giáo viên mầm non phải đáp ứng được những kiến thức, kỹ năng chuyên biệt để có thể chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tốt nhất.

Do vậy, Bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, cương quyết không tuyển sinh những đối tượng người học không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của giáo viên bậc học mầm non. Quá trình đào tạo phải được tổ chức trực tiếp theo hướng tăng thời lượng thực hành và kiểm soát chặt chẽ đầu ra.

Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai chương trình đào tạo văn bằng 2 sư phạm mầm non để đảm bảo người học sau khi ra trường có thể đáp ứng tốt yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.

Nguồn thông tin: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/yeu-cau-chat-che-voi-giao-vien-dieu-chuyen-day-mam-non-3081164-v.html