5 đề xuất của nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT với Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể In
Thứ tư, 17 Tháng 5 2017 04:13
GD&TĐ - PGS.TS Trần Quang Quý – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - nhận xét: Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đã quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.

5 đề xuất của nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT với Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể

Về một số nội dung trong bản dự thảo, PGS đã đề xuất, góp ý với Ban phát triển chương trình như sau:

Thứ nhất, về thời lượng giáo dục có hai điều tôi còn băn khoăn.

Một là, trong Dự thảo chương trình chúng ta xây dựng thời lượng của tiết học cho lớp 1, lớp 2 là khoảng 30 đến 35 phút/tiết; lớp 4, lớp 5 khoảng 35 đến 40 phút/tiết học.

Tuy nhiên, xét ở góc độ khoa học thì điều này không phù hợp vì vậy Ban phát triển chương trình nên nghiên cứu lại và nên thống nhất trong toàn trường về thời lượng của một tiết học. Tức là thời lượng của các em lớp 1 lớp 2 bằng các anh chị lớp 3, lớp 4, lớp 5.

Vì giả sử nếu lớp 1, lớp 2 học 30 phút đến 35 phút/tiết, các em được ra chơi, trong khi các anh/chị lớp 3, 4, 5 vẫn đang phải học. Như vậy các bạn ấy chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi các em lớp 1, 2.

Hai là: Số tiết trong năm học của bậc tiểu học nhiều hơn THCS và THCS lại nhiều hơn THPT. Điều này đồng nghĩa với việc càng lên cao thì học sinh học càng ít. Như vậy không phù hợp với tâm lý giáo dục.

Theo nguyên lý giáo dục và nguyên lý tâm lý lao động thì ở giáo dục càng lên cao, học càng phải nặng hơn. Đối với học sinh lớp 1, lớp 2 các em phải được vừa học, vừa chơi – vừa chơi, vừa học. Vì vậy Ban phát triển chương trình cũng nên nghiên cứu lại vấn đề này.

Thứ hai: Về quan điểm xây dựng chương trình, chúng ta cần kiểm soát được chương trình của các môn học cụ thể để không gây quá tải cho học sinh. Ban phát triển chương trình cần chú ý điểm này khi chỉ đạo xây dựng chương trình.

Thứ ba, tôi tán thành khi trong Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đề cập đến phân hóa. Nhưng theo tôi, nên chăng cần xem xét lại khi đặt tên một số môn học.

Ví dụ: Có một số môn học như: Tìm hiểu về công nghệ; Tìm hiểu về Tự nhiên, xã hội hay Tìm hiểu về Tin học... Tôi nghĩ nếu đã đưa các môn này vào nhà trường thì phải có tính chất khoa học.

Nếu để chữ “Tìm hiểu” thì sẽ rất mênh mông và khó cho cả thầy lẫn trò. Không cẩn thận sẽ sai mục đích về năng lực phẩm chất khi học các môn học này. Vì vậy theo tôi nên thống nhất gọi các môn học đó là: môn Công nghệ, Tin học, Khoa học Tự nhiên...

Thứ tư: Tôi đồng tình với ý kiến về định hướng đánh giá. Chúng ta nên quy định cụ thể về sự tham gia của nhà trường, lãnh đạo trường, giáo viên. Đặc biệt là phân rõ quyền, trách nhiệm của giáo viên, học sinh, phụ huynh khi tham gia vào quá trình đánh giá.

Thứ năm: Về điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, nếu bắt đầu áp dụng chương trình mới trong năm 2018 sẽ hơi vội vàng. Vì vậy, chúng ta nên mạnh dạn đề nghị Quốc hội lùi lại 1 năm để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ hơn.

Tôi đồng tình với phương án là: áp dụng chương trình mới theo hình thức cuốn chiếu. Thực hiện ngay ở lớp 1, sau đó là lớp 6, lớp 7 thực nghiệm và phải có thời gian bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên hiện nay.

Xem chi tiết tại Nguồn thông tin: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/5-de-xuat-cua-nguyen-thu-truong-bo-gddt-voi-du-thao-chuong-trinh-gdpt-tong-the-3299904-v.html