Dự thảo chương trình môn Khoa học Tự nhiên phù hợp với tâm lý, nhận thức của học sinh In
Thứ tư, 31 Tháng 1 2018 06:58

GD&TĐ - Dự thảo chương trình môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới đã nhận được nhiều sự đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học. TS Trương Xuân Cảnh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã chia sẻ với Báo GD&TĐ xung quanh vấn đề đổi mới của Dự thảo chương trình sách giáo khoa mới môn Khoa học tự nhiên (KHTN).

Dự thảo chương trình môn Khoa học Tự nhiên phù hợp với tâm lý, nhận thức của học sinh

Tiếp cận xu hướng GD tiên tiến

Ông đánh giá như thế nào về tính ưu việt của môn Khoa học tự nhiên trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới?

Dự thảo chương trình môn KHTN có một số ưu điểm nổi trội so với chương trình hiện hành như: Chương trình dự thảo môn KHTN đã cụ thể hoá được mục tiêu và yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Chương trình được xây dựng theo hướng tiếp cận hình thành và phát triển năng lực người học, đảm bảo cho HS vừa tiếp thu được tri thức khoa học vừa áp dụng tri thức đó vào thực tiễn. Chương trình dự thảo đã tiếp cận được các xu hướng giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế.

Cụ thể: Thứ nhất, chương trình tích hợp nội dung chính của 3 môn học riêng rẽ trước đây: Vật lý, Hóa học, Sinh học theo một logic dựa trên các nguyên lý chung về tính cấu trúc, sự đa dạng, tương tác, tính hệ thống cùng sự vận động và biến đổi, tức là có tính tích hợp về mặt nội dung và nguyên lý vận động của vật chất trong tự nhiên. Đồng thời, dự thảo chương trình chú trọng đến bản chất vận động của thế giới tự nhiên, quan tâm đến rèn luyện kĩ năng tiến trình khoa học, phát triển năng lực của người học, giản lược được những nội dung nặng về kiến thức.

Thứ hai, các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có thêm một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên.

Thứ ba, chương trình môn KHTN chú trọng hoạt động thực hành, thí nghiệm, hoạt động trải nghiệm. Đây là điều kiện thuận lợi trong tổ chức dạy học để phát triển năng lực nhận thức kiến thức khoa học, năng lực tìm tòi, khám phá và vận dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn.

Thứ tư, chương trình dự thảo cũng đã đáp ứng được yêu cầu phân luồng HS sau cấp THCS, chuẩn bị hành trang tri thức cho học sinh theo đuổi tiếp con đường học thuật hoặc rẽ nhánh học nghề phù hợp với năng lực bản thân.

Vấn đề tích hợp trong môn học này được thể hiện ra sao trong việc xây dựng chương trình?

Chương trình môn KHTN được xây dựng dựa trên sự kết hợp của 3 trục cơ bản là: Chủ đề khoa học - Các nguyên lí/khái niệm chung của khoa học - Hình thành và phát triển năng lực. Trong đó, các nguyên lí/khái niệm chung là vấn đề xuyên suốt, gắn kết các chủ đề khoa học của chương trình. Đây là cách xác định hợp lý để xây dựng chương trình môn KHTN. Các chủ đề khoa học được xây dựng với sự tích hợp kiến thức ở nhiều nội dung sẽ giúp làm sáng tỏ các nguyên lí/khái niệm xuyên suốt này.

Tuy nhiên, khi biên soạn nội dung các chủ đề khoa học cần cố gắng để có sự hòa quyện một cách tự nhiên. Bởi việc tích hợp trong môn KHTN mang tính tổng thể, hệ thống nhưng lại mất đi tính phát triển liên tục của đối tượng. Do đó, cần quan tâm đến tính tương đối trọn vẹn của chủ đề khoa học trong chương trình.

Coi trọng kiểm tra, đánh giá

Theo ông, cần phải đổi mới phương pháp dạy học và việc kiểm tra đánh giá như thế nào để đáp ứng với chương trình sách giáo khoa mới?

Để thực hiện chương trình môn KHTN, cần đổi mới PPDH theo hướng: Tổ chức dạy học các PPDH tích cực, tăng cường phối hợp hoạt động học tập cá nhân với học tập hợp tác nhóm nhỏ; Giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập; Cần rèn luyện cho HS thói quen và năng lực tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích luỹ được.

Cần tăng cường các giờ học thực hành thí nghiệm, tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong môi trường tự nhiên, tham quan các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ, các nhà máy sản xuất có áp dụng kiến thức nội dung bài học, tăng cường các hoạt động ứng dụng kiến thức môn học vào thực tiễn

Việc kiểm tra đánh giá cũng cần có sự đổi mới: Đánh giá phải gắn liền với quá trình đổi mới phương pháp dạy học. Chú trọng đến đánh giá quá trình, đánh giá kĩ năng và kết hợp nhiều biện pháp đánh giá khác nhau; bảo đảm đánh giá toàn diện nội dung, năng lực chung, năng lực đặc thù môn học, phẩm chất của người học.

Vấn đề tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh được chú ý và xem đó là biện pháp rèn luyện năng lực tự học, năng lực tư duy phê phán, phẩm chất chăm học, vượt khó, tự chủ, tự tin.

Theo đánh giá của ông, Chương trình dự thảo môn học KHTN có phù hợp với học sinh hay không? Ông có đề xuất gì về việc thực hiện chương trình mới này?

Chương trình Dự thảo môn KHTN là phù hợp với tâm lý, nhận thức của HS, thể hiện: Các nội dung gần gũi với HS, kích thích sự tò mò, khám phá thiên nhiên. Nội dung kiến thức là cơ bản, thiết thực, hiện đại, đồng thời tăng cường thực hành và nâng cao năng lực vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống.

Nội dung môn KHTN giúp HS có nhận thức hệ thống về sự vật, hiện tượng trong tự nhiên; giúp các em có được tình yêu thiên nhiên, tôn trọng các quy luật của tự nhiên. Từ đó biết ứng xử với tự nhiên, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững xã hội và môi trường.

Thông qua các hoạt động học tập của lĩnh vực này, học sinh dần hình thành và phát triển năng lực tìm hiểu và khám phá thế giới tự nhiên qua quan sát và thực nghiệm, năng lực vận dụng tổng hợp kiến thức khoa học để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Để chuẩn bị cho thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới nói chung và chương trình môn KHTN nói riêng, tôi cho rằng chúng ta cần bồi dưỡng, đào tạo lại GV. Trước hết cần khảo sát, đánh giá lại năng lực của người giáo viên một cách chính xác, khách quan. Đối chiếu với yêu cầu của Chương trình giáo dục mới để thấy rõ cái đang cần, đang thiếu của giáo viên.

Từ đó xác định nội dung cần bồi dưỡng cho giáo viên và xây dựng chương trình bồi dưỡng cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn; Xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng về dạy học tích hợp, tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phát triển chương trình nhà trường, bồi dưỡng năng lực tổ chức nghiên cứu khoa học cho học sinh. Tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cho các trường phổ thông như các phòng thực hành, dụng cụ thí nghiệm phục vụ cho dạy học môn KHTN.

Cùng với đó, các trường đào tạo giáo viên cần đổi mới nội dung chương trình, đổi mới phương pháp đào tạo giáo viên theo hướng đáp ứng mục tiêu giáo dục môn KHTN ở trường phổ thông.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

“Sự tích hợp trong các chủ đề khoa học của môn học giúp HS tiếp cận, nhìn nhận đối tượng một cách hệ thống, tổng thể trong hoạt động khám phá tự nhiên, trong giải quyết vấn đề công nghệ, các vấn đề tác động đến đời sống của cá nhân và xã hội. Qua đó sẽ phát triển năng lực tìm hiểu tự nhiên và hình thành các phẩm chất cho người học”. TS Trương Xuân Cảnh

 

Theo giaoducthoidai.vn