Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ tính toán đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng khả thi 打印
周五, 2017年 05月 19日 01:27

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV, ngày 12/5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng các đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định đã tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định. Tại đây, nhiều câu hỏi về Chương trình phổ thông mới, chế độ đối với giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp đã được đặt ra cho người đứng đầu ngành Giáo dục.

Từ tháng 9/2017 đào tạo giáo viên cốt cán

Cử tri Võ Ngọc Sỹ, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Bình Định cho rằng, việc xây dựng mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông là đúng đắn và cần thiết, tuy nhiên quá trình triển khai sẽ “vướng” trong việc bố trí giáo viên.

Theo cử tri này, để có giáo viên dạy các môn học mới, dự kiến phải thực hiện theo hai hướng mà hiện nay hướng nào cũng khó.

“Nếu tuyển mới đúng vị trí việc làm sẽ làm “phình” bộ máy biên chế, chưa nói tới nguy cơ không tuyển được vì hiện các trường sư phạm chưa đào tạo các chuyên ngành mới này.

Còn nếu đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên đội ngũ giáo viên hiện có thì chưa có chương trình, chưa biết cơ sở nào được đào tạo, bồi dưỡng và chế độ cho giáo viên ra sao” - ông Sỹ đặt vấn đề.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời cử tri.

Cũng theo ông Sỹ, dự thảo chương trình phổ thông mới quy định,  ở bậc THPT học sinh được tự chọn ba môn và một chuyên đề với tối thiểu là 330 tiết, điều này có thể gây biến động lớn nếu mỗi năm nhu cầu tự chọn một khác, các trường không thể bố trí được giáo viên.

Cùng nỗi băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông mới, cử tri Lý Chiêu Hòa, Phó Trưởng Phòng Giáo dục TP Quy Nhơn bày tỏ: “Dự thảo quy định chậm nhất đến năm học 2022-2023 các trường tiểu học phải tổ chức dạy học hai buổi/ngày là rất khó khăn.

Ví dụ ở Quy Nhơn hiện có 666 lớp tiểu học, nếu giữ nguyên số lượng lớp này thì trong sáu năm tới cần xây thêm hơn 230 phòng học mới đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đây là con số lớn, khó thực hiện được. Đó là chưa nói đến khó khăn trong bố trí giáo viên. Cụ thể, nhiều giáo viên lớn tuổi không thể đáp ứng được các yêu cầu về chuẩn khi tiến hành đổi mới, có nguyện vọng được nghỉ sớm thì bộ cần quan tâm xây dựng chính sách chế độ cho họ”.

Trả lời các băn khoăn của cử tri, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện, chuyển hướng để phát triển năng lực phẩm chất, thay đổi toàn bộ từ triết lý đến nội dung, phương pháp giảng dạy, đánh giá và điều kiện thực hiện.

“Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra thời điểm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông bắt đầu từ năm 2018, đây là thời điểm đã được tính toán đến quá trình chuẩn bị. Ngành Giáo dục cũng đang triển khai theo hướng quyết liệt, thận trọng và cầu thị lắng nghe” - Bộ trưởng nêu rõ.

Theo Bộ trưởng Nhạ, chương trình cũ dạy đơn môn với các tiết rất rời rạc, còn chương trình mới là tổng hợp kiến thức, tăng cường năng lực, có một số môn tích hợp nên đòi hỏi giáo viên phải được bồi dưỡng, đào tạo lại cho phù hợp.

Xem chi tiết tại Nguồn thông tin: http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=4709