Hai băn khoăn khi đưa giáo dục STEM vào chương trình phổ thông mới In
Thứ tư, 26 Tháng 7 2017 13:49

Để thúc đẩy mô hình giáo dục STEM vào chương trình phổ thông sắp tới một cách hiệu quả, cần phải giải quyết các bất cập từ cơ sở vật chất, tới cách thức thi cử.

Thi trắc nghiệm khó thúc đẩy dạy học STEM

Cách thức tổ chức các kỳ thi ảnh hưởng lớn tới việc dạy và học, do đó tác động tới việc biên soạn chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Nhận định này được nhiều đại biểu đề cập tại hội thảo giáo dục STEM trong chương trình GDPT mới, hôm qua 25/7.

Trong bài tham luận "Chúng ta học được gì từ giáo dục STEM", GS.TS Đỗ Đức Thái, Thành viên Ban Phát triển Chương trình GDPT tổng thể, Chủ biên chương trình môn Toán nêu ra những lưu ý về việc này.

Ông Thái cho rằng, kiểm tra đánh giá và thi cử cần tương thích với những tư tưởng cơ bản của giáo dục STEM. Thế nhưng nếp nghĩ “thi gì học nấy” là một trở lực lớn trong việc đưa giáo dục STEM vào nhà trường phổ thông.

Bên cạnh đó, trong hoàn cảnh thực tế về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý của giáo viên, cơ sở vật chất của các nhà trường, điều kiện kinh tế-xã hội của các địa phương,... việc khai thác, áp dụng những điểm mạnh của giáo dục STEM không đơn giản.

"Chúng ta đã chuẩn bị các văn bản cần thiết chỉ đạo triển khai giáo dục STEM? Cán bộ quản lí các nhà trường phổ thông có thực sự quan tâm đến giáo dục STEM hay không? Bởi nếu không thì có thể viện dẫn rất nhiều lí do để không áp dụng" - ông Thái nêu vấn đề.

chương trình giáo dục phổ thông tổng thể,chương trình giáo dục phổ thông mới,chương trình gdpt,STEM
Các nội dung giáo dục STEM mang tính thực hành trong khi thi vẫn là kiểm tra kiến thức.

Trong bài tham luận trình bày kinh nghiệm triển khai giáo dục STEM tại Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), bà Nguyễn Thu Anh, hiệu trưởng nhà trường cũng nhận thấy hình thức thi như hiện nay là một "khó khăn" đối với việc triển khai giáo dục STEM.

Cụ thể, kỳ thi THPT quốc gia thi được tổ chức bằng các bài thi trắc nghiệm, trong khi STEM là sản phẩm. Từ lớp 11 là phải "nói không" với STEM để ôn luyện thi trắc nghiệm "cho thật siêu" để sắp tới thi đỗ vào một trường ĐH.

"Vì vậy, thay đổi chương trình thì dứt khoát phải thay đổi đánh giá. GS Thái nói rất đúng, học sinh hiện nay học để thi thôi, mục tiêu là làm sao đỗ được ĐH. Vì vậy, thay đổi cách đánh giá thì tính khả thi trong việc triển khai GD STEM mới có thể đạt được".

Trong phần phát biểu kết luận, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới khẳng định, ban soạn thảo cũng nhận thức rất rõ về tác động của các kỳ thi đến chương trình.

"Chương trình này đòi hỏi học sinh đi vào thực tiễn rất nhiều, các em phải tham gia các dự án nghiên cứu khoa học. Nhưng đến lúc thi mà thi chung như thế này thì chỉ ra đề kiểm tra kiến thức, kỹ năng giải bài tập thôi. Như thế, làm sao giáo viên dành thì giờ dạy học sinh theo phương pháp STEM, chú trọng thực hành được?"

GS Thuyết cho biết, trong dự thảo chương trình đã quy định việc thay đổi cách thức đánh giá, bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, sau đó, Hội đồng thẩm định có ý kiến cho rằng, Luật Giáo dục hiện hành vẫn đang quy định phải thi tốt nghiệp. Nghị quyết 88 cũng đề cập đến việc đổi mới cách thi và đánh giá.

Nếu quy định ngay trong chương trình GDPT mới thì sẽ liên quan tới luật và nghị quyết.

Vì vậy, ban soạn thảo đã chuyển phần "thi tốt nghiệp, tuyển sinh các lớp đầu cấp, tuyển sinh ĐH" ở phần "điều kiện thực hiện chương trình".

Nguồn thông tin: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/hai-ban-khoan-khi-dua-giao-duc-stem-vao-chuong-trinh-pho-thong-moi-386349.html