Các địa điểm du lịch khi ghe thăm TP. Hồ Chí Minh

Được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”, TP.HCM từ lâu đã là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của Việt Nam.

Du lịch đến với Sài Gòn – TP.HCM hơn 300 năm tuổi, bạn có thể gặp những tòa nhà cao tầng nằm san sát, những khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm sầm uất, nhưng cũng không thiếu những biệt thự cổ kính, những ngôi chợ truyền thống tồn tại đã hàng trăm năm. Sài Gòn rộng lớn và không thiếu những “đặc sản” du lịch như Du ngoạn ven sông Sài Gòn bằng tàu, thăm phố Tây Phạm Ngũ Lão, mua sắm ở chợ Bến Thành hay về với biển Cần Giờ….

Với bề dày lịch sử phát triển, TP.HCM ngày nay rất rộng lớn và đông đúc với hơn 8 triệu dân. Để giúp quý khách không bị “ngợp” trước sự náo nhiệt giữa đô thị này, Ban Tổ chức Hội thảo xin nêu ra những khu vực chính ở Sài Gòn mà bạn có thể ghé qua.

1. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn (tên chính thức: Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, tiếng Anh: Immaculate Conception Cathedral Basilica, tiếng Pháp: Cathédrale Notre-Dame de Saïgon, gọi tắt là Nhà thờ Đức Bà) là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn, điểm đến của du khách trong và ngoài nước, nét đặc trưng của du lịch Việt Nam.

Đây là khu vực trung tâm thuộc Q.1, TP.HCM. Khu vực Nhà Thờ thể hiện rõ rệt “tính cách” của thành phố Sài Gòn. Gần nhà thờ cổ kính là hình ảnh đối lập với những tòa cao ốc bê tông cốt thép thời hiện đại. Từ nhà thờ Đức Bà, bạn có thể sang thăm dinh Độc Lập, mua sắm ở Diamond Plaza, dạo phố Đồng Khởi, qua Hồ Con Rùa, uống cà phê bệt ở đường Hàn Thuyên…

Khi đến tham quan nhà thờ, hãy dành thời gian đi dạo quanh khuôn viên để chiêm ngưỡng màu sắc vẫn còn tươi nguyên qua thời gian của lớp gạch hồng ở mặt ngoài. Cổng chính của nhà thờ nhìn ra một quảng trường nhỏ - địa điểm lý tưởng nhất để chụp toàn cảnh nhà thờ với 2 tháp chuông cao 60m tính từ chân đến đỉnh thánh giá. Quảng trường cũng là nơi đặt tượng Đức Mẹ Đồng Trinh - tương truyền đã nhỏ lệ máu trong nhiều ngày vào năm 2005.

Và sau đó hãy tiến vào nhà thờ bằng cổng bên. Đây là cổng vào được mở hàng ngày trong khi cổng chính chỉ được sử dụng cho các thánh lễ vào ngày Chủ Nhật. Không nổi tiếng với phong cách ấn tượng, nội thất của thánh đường đơn giản và mang lại cho người đến thăm một cảm giác yên bình. Nhà thờ là một không gian hoàn toàn đối lập giữa cái ồn ào và náo nhiệt của thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn mở cửa đón khách tham quan hàng ngày và các lễ thánh được tổ chức nhiều lần trong ngày Chủ Nhật. Có cả lễ thánh bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh và nhà thờ luôn mở rộng tay đón chào mọi tín đồ trong các thánh lễ của mình.

Nhà thờ tọa lạc ở khu trung tâm thành phố và đối diện một điểm tham quan nổi tiếng khác của thành phố Hồ Chí Minh: Bưu điện Trung tâm Sài Gòn.

 


2. Phố đi bộ Nguyễn Huệ – Quận 1

 

Đây là con đường thuộc khu vực trung tâm TP.HCM, hai bên đường có nhiều khách sạn, khu mua sắm cao cấp, một số căn đã tồn tại từ hàng trăm năm nay, mang dáng dấp kiến trúc châu Âu cổ điển. Đi thẳng đường Nguyễn Huệ theo hướng Đông Nam bạn sẽ đến con đường Tôn Đức Thắng ở ven sông Sài Gòn.

Đây là công trình chào mừng 40 năm giải phóng Miền Nam – Thống nhất đất nước, kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí minh kính yêu. Công trình quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ rộng 64 m và có chiều dài 670 m, bắt đầu từ UBND TP HCM đến Bến Bạch Đằng. Trong tương lai, nơi này sẽ kết nối với quảng trường đi bộ bên bờ Thủ Thiêm (quận 2) bằng cầu đi bộ băng qua sông Sài Gòn.

Hiện tại, các hạng mục xây dựng chính của quảng trường Nguyễn Huệ gồm: nâng cấp, cải tạo mặt đường và vỉa hè hiện hữu bằng đá tự nhiên; xây lại hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, đài phun nước; xây ngầm trung tâm điều khiển ánh sáng, nhạc nước, âm thanh, hệ thống cây xanh v.v... với tổng kinh phí đầu tư gần 430 tỷ đồng.

Điểm nhấn của quảng trường là Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (đối diện trụ sở UBND TP HCM). Đây là công trình được tuyển chọn từ 32 mẫu phác thảo dự thi. Theo đó, tổng thể công trình cao 7,2m; Tượng đài Bác bằng hợp kim đồng cao 4,5m, bệ tượng 2,7m. Chiều cao này đảm bảo tỷ lệ hài hòa giữa tượng đài và chiều cao công trình trụ sở HĐND - UBND TPHCM, phù hợp với phối cảnh, cảnh quan kiến trúc xung quanh công viên.

 


3. Chợ Bến Thành.

 

Có từ thế kỷ thứ 19, chợ Bến Thành như một nhân chứng lịch sử qua nhiều biến động của thời cuộc. Chợ có 4 cổng Đông-Tây-Nam-Bắc quay ra các con đường chính ở trung tâm Sài Gòn. Đến đây, du khách có thể mua sắm rất nhiều các sản phẩm lưu niệm, vải vóc, quần áo, đồ thủ công mỹ nghệ.

 


 

4. Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập)

Công trình được thiết kế theo phong thuỷ và kiến trúc phương Đông nhưng lại rất hiện đại. Tham quan dinh Độc Lập, du khách có thể chiêm ngưỡng tận mắt nhiều vật phẩm từ chế độ cũ cũng như những chứng tích ghi dấu thời khắc ngày độc lập 30.4.1975.

Giờ mở cửa: Sáng 7h30 – 11h00, chiều từ 13h00 – 16h00 (hàng ngày);

Địa chỉ: 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.Bến Nghé, Q.1;

Giá vé: Người lớn:30.000VND/người/lần, Sinh viên: 15.000VND/người/lần, học sinh: 3.000VND/người/lần, khách theo đoàn từ 20 người sẽ được giảm 1/3 giá vé; Gửi xe máy tại: Cổng Dinh Độc Lập bên đường Nguyễn Du, bãi gửi xe ở công viên Tao Đàn trên đường Huyền Trân Công Chúa.