Nhận thức về học tập, làm theo Bác từ thực tế cuộc sống


Từ năm 2006, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Chỉ thị 06 triển khai cuộc vận động “Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đến năm 2011, Bộ Chính trị ban hành tiếp Chỉ thị 03 về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và hiện nay toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang thực hiện Chỉ thị 05 “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nhiều nội dung mới, sau hơn 10 năm thực hiện các chỉ thị của Bộ Chính trị, đã cho chúng ta thấy nhiều ý nghĩa sâu sắc về học Bác, làm theo Bác.

Khi thực hiện Chỉ thị 03, Đảng ta đã không còn xem là cuộc vận động nữa, không coi là một đợt hay một phong trào quần chúng, mà được xem là một công việc, một nhiệm vụ thường ngày của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân. Tiếp theo ở Chỉ thị 05, Đảng ta xác định cần đẩy mạnh, thể hiện quyết tâm, cách làm đi vào thực chất, hiệu quả và lan tỏa xã hội cao, làm cho mọi người thấy rõ hơn việc học Bác phải gắn với làm theo Bác ở những việc làm có giá trị của sự tiến bộ ngày càng cao hơn trong đời sống thường ngày. Đó là sự hiểu sâu hơn từ tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bao hàm các nội dung về học tập gắn với làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, biến việc học tập này vào thực tiễn thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị và từng cá nhân.

 

Lễ ra quân MHX 2012

 

 

Khai giảng lớp ôn tập hè trong chiến dịch MHX  2010

Chiến sĩ MHX lên đường làm nhiệm vụ

Chiến sĩ MHX với thiếu nhi

 

Ngày nay, việc học tập, làm theo Bác càng đòi hỏi mỗi chúng ta phải luôn nâng cao nhận thức, có cách học, cách làm đi vào thường xuyên, phong phú, đa dạng và gắn với nhiệm vụ, công việc của từng nơi, từng đơn vị, địa phương. Làm sao để từ việc học cho đến hành động luôn thể hiện sự tự giác, chủ động một cách thường xuyên, không phải là sự gò bó, bắt buộc hay vì mệnh lệnh hành chính. Muốn được vậy, phải tổ chức học tập một cách sâu rộng ở các cấp trong bộ máy chính quyền, hệ thống chính trị. Sau học tập là hành động của mỗi cấp bằng chương trình, kế hoạch cụ thể, đi vào chọn và giải quyết những vấn đề gai góc, bức xúc về phát triển kinh tế - xã hội và liên quan đến đời sống dân sinh. Sau mỗi việc làm, mỗi chương trình, kế hoạch được thực hiện, mỗi cấp ủy Đảng, mỗi tổ chức, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần phê bình, tự phê bình, sơ kết, đánh giá xem đã làm được tới đâu, kết quả ra sao, quá trình làm có những phát sinh gì mới và cá nhân, đơn vị nào làm tốt để kịp thời biểu dương, nhân rộng cách làm cho những công việc, kế hoạch, chương trình tiếp theo. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị cần xem những việc làm học tập, làm theo Bác là công việc thường xuyên, giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, của ngành mình được hoàn thành với chất lượng cao nhất. Qua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cấp ủy Đảng cần gắn với thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa trong nội bộ”.

 

Một vấn đề khác được định hình trong quá trình học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Bác trong thực tế đòi hỏi phải gắn với phát triển văn hóa con người Việt Nam. Từ đó, tiếp tục xây dựng các chuẩn mực đạo đức, giá trị văn hóa và chuẩn mực của con người Việt Nam trong thời đại mới. Thực tế cuộc sống đòi hỏi trong suy nghĩ và hành động của chúng ta luôn phải tư duy, vận động theo cái mới mà xã hội phát triển đặt ra, nhất là ở thời kỳ hội nhập thế giới sâu rộng như hiện nay. Khi Đảng ta xác định nhất quán một tư tưởng và quan điểm về học Bác, làm theo những giá trị nhân văn sâu sắc mà Bác đã để lại cho dân tộc ta để định hướng, mở đường cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta hướng tới, càng đặt ra những cách nghĩ, cách làm của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân bắt đầu từ thực tế cuộc sống. Ở mỗi thời kỳ, chúng ta cần có phương pháp, cách làm, trong vận dụng thực tế ở việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác phải phong phú, đa dạng và thiết thực hơn, để mọi người ai cũng thấy được những việc làm có ý nghĩa đó thật là gần gũi trong cuộc sống.

 

Tiến sĩ  TRƯƠNG MINH NHỰT
(Nguyên Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương)

 

http://www.sggp.org.vn/nhan-thuc-ve-hoc-tap-lam-theo-bac-tu-thuc-te-cuoc-song-436643.html