Vùng biển Việt Nam In

Vùng biển Việt Nam

Các vùng biển và thềm lục địa

Không gian sinh sống của con người trên Trái đất chủ yếu gồm 3 bộ phận: đất, biển, trời.

Lãnh thổ quốc gia trên đất liền bao gồm mặt đất (kể cả hồ, ao, sông, suối…), vùng trời phía trên và lòng đất bên dưới, nằm trong phạm vi đường biên giới quốc gia được xác định qua thực tế quản lí hoặc các điều ước quốc tế. Đường biên giới quốc gia trên đất liền được coi là ổn định, bền vững và bất khả xâm phạm; mặc dù, trên thực tế vẫn có sự tranh chấp và biến động ở đường biên giới giữa nhiều quốc gia trên thế giới.

 

 

 

Giới hạn và độ cao của vùng trời thuộc lãnh thổ quốc gia cũng như độ sâu của lòng đất bên dưới tuy không được xác định chính xác là bao nhiêu kilômét, nhưng với khả năng kĩ thuật của nhân loại hiện nay thì mỗi quốc gia hoàn toàn có thể thực hiện chủ quyền của mình trong những phạm vi nhất định tới giới hạn tối đa là lớp khí quyển nằm dưới quỹ đạo vệ tinh địa tĩnh và tới độ sâu cho phép thuộc bề dày của vỏ Trái Đất nằm bên dưới lãnh thổ của mình.

Vùng biển của quốc gia ven biển được quy định bởi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển được các nước kí kết vào năm 1982 (gọi là Công ước 1982), phê chuẩn vào ngày 16-11-1994 và từ đó bắt đầu có hiệu lực pháp luật quốc tế. Việt Nam phê chuẩn Công ước 1982 vào năm 1994. Theo Công ước về Luật Biển năm 1982 thì một quốc gia ven biển sẽ có 5 vùng biển là: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Nội thủy

Là vùng nước nằm phía bên trong đường cơ sở và giáp với bờ biển. Đường cơ sở là do quốc gia ven biển vạch ra. Theo Tuyên bố ngày 12-5-1977 của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì đường cơ sở của Việt Nam là đường gãy khúc nối liền 11 điểm, từ điểm A1 (Hòn Nhạn, quần đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang) đến điểm A11 (đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị).


Điểm

Vị trí địa lí

Vĩ độ (Bắc)

Kinh độ (Đông)

0

Nằm trên ranh giới phía Tây Nam của vùng nước lịch sử của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Campuchia

 

 

A1

Tại Hòn Nhạn, quần đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang

9o15’0

103o27’0

A2

Tại Hòn Đá Lẻ ở Đông Nam Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau

8o22’8

104o52’4

A3

Tại Hòn Tài Lớn, Côn Sơn, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu

8o37’8

106o37’5

A4

Tại Hòn Bông Lang, Côn Sơn, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu

8o38’9

106o40’3

A5

Tại Hòn Bảy Cạnh, Côn Sơn, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu

8o39’7

106o42’1

A6

Tại Hòn Hải, Phú Quý, tỉnh Bình Thuận

8o58’0

109o05’0

A7

Tại Hòn Đôi, tỉnh Khánh Hòa

12o39’0

109o28’0

A8

Tại mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên

12o53’8

109o27’2

A9

Tại Hòn Ông Căn, tỉnh Bình Định

13o54’0

109o21’0

A10

Tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

15o23’1

109o09’0

A11

Tại đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị

17o10’0

107o20’6

 

 

 

 

 

Vùng nội thủy được xem như bộ phận lãnh thổ trên đất liền, có chế độ pháp lí của đất liền, nghĩa là được đặt dưới chủ quyển toàn vẹn, đầy đủ và tuyệt đối của quốc gia ven biển. Tàu thuyền nước ngoài muốn vào ra vùng nội thủy phải xin phép nước ven biển và phải tuân theo luật lệ của nước đó. Nước ven biển có quyền không cho phép tàu thuyền nước ngoài vào vùng nội thủy của mình.

Trong vùng nội thủy, quốc gia ven biển sẽ thực hiện đầy đủ quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp giống như trên đất liền. Mọi luật lệ do quốc gia ven biển ban hành đều được áp dụng cho vùng nội thủy mà không có một ngoại lệ nào.

Lãnh hải

Là lãnh thổ biển, nằm ở phía ngoài nội thủy. Ranh giới ngoài của lãnh hải được coi là đường biên giới quốc gia trên biển. Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 quy định chiều rộng của lãnh hải là 12 hải lí tính từ đường cơ sở. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng tuyên bố: “Lãnh hải của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam rộng 12 hải lí, tính từ đường cơ sở”.

Vùng tiếp giáp lãnh hải

Là vùng biển nằm ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải. Công ước quốc tế về Luật Biển nêu rõ: “Vùng tiếp giáp lãnh hải không thể mở rộng quá 24 hải lí kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải”, nghĩa là chiều rộng của vùng tiếp giáp lãnh hải không vượt quá 12 hải lí tính từ đường ranh giới ngoài của lãnh hải. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố: “Vùng tiếp giáp lãnh hải của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vùng biển tiếp liền phía ngoài của lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng là 12 hải lí, hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 24 hải lí kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải Việt Nam”.


Vùng đặc quyền kinh tế

Là vùng biển nằm ở phía ngoài lãnh hải và hợp với lãnh hải thành một vùng biển, có chiều rộng không vượt quá 200 hải lí tình từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố: “Vùng đặc quyền kinh tế của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp liền lãnh hải Việt Nam và hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 200 hải lí kể từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam”. Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng đặc thù, trong đó quốc gia ven biển thực hiện thẩm quyền riêng biệt của mình nhằm mục đích kinh tế được Công ước về Luật Biển 1982 quy định.

Thềm lục địa

Là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên  phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải là 200 hải lí, khi bờ ngoài của rìa lục địa ở khoảng cách gần hơn. Trong trường hợp bờ ngoài của rìa lục địa kéo dài tự nhiên vượt quá khoảng cách 200 hải lí tính từ đường cơ sở thì quốc gia ven biển có thể xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa với một khoảng cách không vượt quá 350 hải lí tình từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2500m một khoảng cách không vượt quá 100 hải lí. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố: “Thềm lục địa của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải Việt Nam không đến 200 hải lí thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lí kể từ đường cơ sở”.