Thầy Đỗ Văn Hoài Thương In
Thứ bảy, 03 Tháng 8 2019 02:57

#Góc cựu sinh viên

TẠI SAO LẠI CHỌN SƯ PHẠM?

Thầy Đỗ Văn Hoài Thương

Cựu sinh viên khóa 37, Giáo viên trường THPT Lê Hoàng Chiếu – Bến Tre


 

Khi ai đó hỏi tôi: “Có bao nhiêu nghề không chọn lại đi chọn ngành Sư phạm?”

Khi đó tôi trả lời: “Vì tôi yêu nụ cười em thơ, tôi yêu bục giảng với bảng đen phấn trắng, tôi yêu những tiếng í ớ thầy ơi…”

Khi ai đó hỏi tôi: “Có bao nhiêu ngành không chọn, lại đi chọn Sư phạm Địa lí lấy gì ăn?”

Khi đó tôi trả lời: “Đơn giản vì tôi yêu Địa lí, tôi thấy được hình bóng thầy tôi đâu đó với những bài giảng đầy nhiệt huyết và đam mê!”

Khi ai đó hỏi tôi: “Học Địa lí để làm gì? Học Địa lí như thế nào?”

Khi đó tôi trả lời: “Để trên thông thiên văn, dưới tường Địa lí… Bạn không tin à? Hãy vào Khoa Địa lí Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh đi rồi khắc biết”

Vào đề hơi dài quá rồi!

Đầu tiên, tôi khuyên các bạn một điều mà tôi cho là quan trọng nhất: Nếu thật sự yêu cái nghề mà được mọi người gọi thầy, gọi cô thì mới hãy nghĩ đến con đường Sư phạm; vì nó có nhiều chông gai lắm các bạn à! Bởi vì tiếng “thầy” mà bạn phải trau dồi rất nhiều.

 

 

 

Nhưng bạn cứ yên tâm! Tất cả những gì các bạn ưu tư sẽ có các thầy cô ở Khoa Địa lí Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh giúp đỡ rồi. Những thầy cô mà cho đến bây giờ, theo cảm nhận của tôi, vẫn rất tuyệt vời. Thầy cô không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn hết sức yêu quý người học, tâm huyết với nghề. Đây sẽ là nơi mà bạn được truyền lửa cho hành trình dài sự nghiệp của mình sau này.

Khi vào khoa Địa lí, bạn học được gì cho nghề nghiệp của mình?

Một câu hỏi theo tôi để có câu trả lời chính xác nhất thì các bạn hãy cùng sát cánh bên thầy cô tại khoa đi rồi sẽ biết! Đó là những giờ học “thần thánh” với các thầy cô giáo trẻ như thầy Hà Thắng, thầy Phát, thầy Phú, thầy Nhật, thầy Trung, cô Bích, cô Bình… hay những cây đại thụ của Khoa như thầy Tuấn, cô Thọ, thầy Hiền, cô Tạ Bích…

Bên cạnh những giờ học căng thẳng nhưng không kém phần vui nhộn, tràng đầy tình thương tại giảng đường là các hoạt động vui chơi, trao đổi kinh nghiệm học tập đầy bổ ích do Đoàn – Hội của Khoa tổ chức. Đây là nơi dành cho các bạn yêu phong trào thể hiện và phát huy năng lực của bản thân. Điều này đặc biệt giúp ích cho chúng ta sau này lắm nè! Bởi gần như chắc chắn đa phần các bạn sẽ được giao nhiệm vụ phụ trách mảng phong trào Đoàn – Hội tại các trường phổ thông khi ra trường. Vì chúng ta trẻ mà! Các bạn học được gì từ phong trào Đoàn – Hội thì tham gia đi rồi biết, có những thứ chúng ta không thấy được ngay tại thời điểm tham gia, mà thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời chính xác nhất về ý nghĩa của nó (bản thân tôi đã từng như vậy).

Kỉ niệm tôi nhớ nhất là gì trong 4 năm đại học? Đó là những ngày thầy trò chúng tôi được xuôi ngược mọi miền đất nước trên những chuyến xe thực địa năm thứ hai, thứ ba của chương trình đào tạo. Trong những chuyến đi ấy, chúng tôi lại tiếp tục được sự đồng hành cùng các thầy như thầy Châu Thắng, thầy Minh, thầy Nhật, thầy Phát… Đồng hành với các thầy bạn thấy được gì? Đó là những trải nghiệm, kinh nghiệm thực tế rất nhiều, sự yêu thương động viên sinh viên hoàn thành tốt công việc, thậm chí vượt lên chính mình trước những thử thách của thiên nhiên trong chuyến thực địa. Đó quả là thời gian tuyệt vời nhất mà chúng ta được sống gần gũi với bạn bè, thầy cô trên những chuyến xe dài ngày, nơi nỗi niềm được bày tỏ qua thời gian cùng nhau ngồi trên giảng đường.

Các hoạt động học thuật luôn được chú trọng, tiêu biểu là Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học được tổ chức hàng năm. Đây là nền tảng rất tốt cho các bạn năm thứ 4 làm khóa luận tốt nghiệp và sau này làm công tác nghiên cứu một cách thuận lợi nè. Nghe nói nghiên cứu khoa học là các bạn sợ đúng không? Yên tâm đi! Tất cả sẽ được giúp đỡ bởi thầy cô, chỉ cần các bạn đam mê, thầy cô sẽ theo các bạn đến cùng.

Một điều tuyệt vời nữa là khi chọn học ngành Sư phạm lúc bấy giờ là học không cần đóng học phí mà học giỏi còn được học bổng. Học bổng có thể không nhiều nhưng đó là sự nỗ lực của chúng ta được ghi nhận phải không nè? Đó cũng là một phần để trang trải chi phí cho những bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ngoài ra, hàng năm Khoa còn có rất nhiều suất học bổng cho các bạn sinh viên khó khăn học giỏi.

Tóm lại, nói về Khoa Địa lí Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh thì trong tôi có rất nhiều điều muốn nói nhưng không thể diễn tả được hết bằng lời. Chỉ biết nói lên hai từ “Biết ơn” thầy cô đã cho trang bị cho chúng tôi tất cả những gì tốt nhất bằng sự yêu thương chân thành để chúng tôi bước vào đời bằng sự vững tin.

Chúc các bạn đồng môn đang và sẽ học tại Khoa Địa lí những ngày tháng học tập với kết quả cao nhất, ra trường sẽ có việc làm phù hợp.